Hiện nay, các hộ nuôi cá đang đứng ngồi không yên khi giá cá xuống thấp mà giá cám không ngừng tăng.
Ông Nguyễn Văn Tám (xã Nhật Tân) lo lắng ao cá lỗ cả trăm triệu đồng
So với thời điểm này năm trước, giá cá giảm từ 5.000-8.000 đồng/kg, trong khi giá cám tăng khoảng 60.000 đồng/bao.
Ông Nguyễn Văn Tám ở thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân (Gia Lộc) có 2,5 mẫu ao nuôi các loại cá chép, rô phi, trắm… Đến kỳ thu hoạch, sản lượng cá ước tính đạt 23 tấn nhưng chưa tiêu thụ được. Những năm trước, thương lái về đây đặt hàng trước hoặc gọi lúc nào về lấy hàng lúc đó thì năm nay gần như chưa có ai đặt hàng.
Hiện giá cá trắm là 41.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; cá rô phi từ 25.000-27.000 đồng/kg, giảm khoảng 8.000 đồng/kg; cá chép 35.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg. Mỗi ngày ông Tám tốn 12 bao cám để nuôi cá, chưa kể chi phí điện, thuốc xử lý ao, thuốc cho cá. Tính riêng lứa này, ông Tám dự kiến lỗ từ 180-200 triệu đồng, lứa trước đã lỗ hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhật Tân, lượng cá tiêu thụ chậm, chỉ bằng 1/3 năm trước vì thương lái các tỉnh không về được; nhà hàng, quán ăn thời gian qua hoạt động cầm chừng. Không chỉ riêng ông Tám mà nhiều hộ nuôi cá trong xã cũng lỗ hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, toàn xã Nhật Tân có 44,4 ha nuôi cá. Vì lỗ nên trong xã có 2-3 hộ đã bỏ ao, số hộ duy trì nuôi chỉ chiếm 20-30%, còn lại nuôi cầm chừng. Những năm trước, khoảng 24-25 tấn cá chỉ mất 1tuần tiêu thụ nhưng năm nay phải gần nửa tháng mới bán hết. Việc kéo dài thời gian như vậy còn khiến cá bị yếu.
Có hộ đã quyết định bán cá sớm hơn dự kiến, chấp nhận giảm tới 5 giá nhưng thương lái cũng lắc đầu. Thậm chí có hộ tốn 7 triệu đồng chi phí thuê thợ kéo lưới lên rồi lại thả cá xuống ao vì không bán được. Những đại lý bán cám, cá giống cũng chấp nhận cho người dân nợ dài hơn.
Dù giá cá thấp, thị trường tiêu thụ chậm nhưng tổ liên kết nuôi thủy sản tại thôn Hoành Lộc, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã được tiêu thụ 90% tổng sản lượng cá của các thành viên. Giá cá biến động nên một số hộ lỗ từ 30-40 triệu đồng. So với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số tiền lỗ này ít hơn rất nhiều.
Tổ liên kết gồm 24 thành viên nuôi trên 20 mẫu cá. Các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi, chủ động phương án phòng trừ bệnh và mở rộng đối tác thu mua để không bị động. Hiện nay, các thành viên mong muốn kết nối với đơn vị cung cấp cám và các nguồn vốn hỗ trợ.
“Nếu được tham gia vào chuỗi liên kết bốn nhà, chúng tôi chấp nhận giá thấp hơn thị trường", ông Nguyễn Văn Tình, tổ trưởng của tổ liên kết nuôi thủy sản thôn Hoành Lộc, xã Cẩm Văn cho biết.
Đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ là kinh nghiệm các hộ nuôi cá có thể tham khảo nhằm giảm bớt khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
HẢI HÒA