Nông nghiệp - Nông thôn

Chuyện lấp ao ở “trung tâm nuôi cá” Cẩm Hoàng

THÀNH LONG 23/12/2023 15:00

Nhiều năm qua, tại xã Cẩm Hoàng - nơi được ví là “trung tâm nuôi cá” huyện Cẩm Giàng, người dân âm thầm san lấp ao hồ tràn lan để làm vườn.

Kéo dài nhiều năm

Nhiều năm trước, Cẩm Hoàng từng là địa phương đi đầu huyện Cẩm Giàng và là điển hình của tỉnh trong phát triển nghề nuôi cá. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tất cả ao hồ trong xã đều được đấu thầu để cải tạo thành mặt nước nuôi cá. Người dân còn chuyển đổi hàng chục khu đồng trũng, gieo cấy lúa kém hiệu quả như các khu Đồng Mèo (thôn Phượng Hoàng), Ao Len (thôn Kim Đôi), Đồng Chảy (thôn Ngọc Lâu), Ông Công (thôn Quý Khê)... thành các mô hình VAC, trong đó chủ yếu là đào ao thả cá. Ngoài trên 60 ha ao hồ tự nhiên, cả xã có khoảng 170 ha ao hồ do người dân đào để thả cá, chủ yếu ở các vùng chuyển đổi theo quy hoạch.

z4940770184005_3c7108bb766a349da085a83b862c4316.jpg
Có ao hồ được lấp với lý do xóa điểm ô nhiễm môi trường
img_1261.jpg
Kiểm tra hiện trạng sau khi người dân tự khắc phục ở thôn Phí Xá

Từ một địa phương đua nhau đào ao thả cá, gần đây nhiều ao hồ ở xã Cẩm Hoàng đã bị san lấp. Theo UBND xã Cẩm Hoàng, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã đã có 33 trường hợp vi phạm sử dụng đất. 1/3 trong số đó là san lấp ao hồ trái phép. Năm 2021 có 2 trường hợp, năm 2022 phát sinh 4 trường hợp và trong năm 2023 có 5 trường hợp.

Xã Cẩm Hoàng quản lý phần lớn hồ ao tự nhiên bằng cách ký hợp đồng cho thuê nuôi thả cá từ năm 2006. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý trong nhiều năm nên một số ao hồ bị xâm lấn, san lấp làm vườn... “Nếu người này san lấp ao hồ được thì người khác cũng làm theo. Đó là tình trạng âm thầm kéo dài nhiều năm, trở thành vấn đề do lịch sử để lại”, ông Nguyễn Bá Sơn, Trưởng thôn Phí Xá nói.

Bà Nguyễn Thị Thuyên ở thôn Phí Xá san lấp ao trái phép năm 2022 vì cho rằng diện tích đó đã là “ao nhà”. Theo bà, năm 2007 UBND xã Cẩm Hoàng đã ký hợp đồng đổi đất vườn của gia đình để lấy mặt bằng xây dựng nhà văn hóa thôn và trả bằng ao liền kề để san lấp tạo vườn.

Những người dân san lấp ao hồ trái phép khác cũng nêu ra nhiều lý do như mốc giới không rõ ràng giữa đất của gia đình giáp ao công nên san lấp nhầm. Có người đã xin phép thôn được san lấp ao công để sử dụng và ủng hộ cho thôn một số tiền để kiến thiết các công trình công cộng. Hoặc cũng có người san lấp với lý do đã đổi đất đấu thầu để thôn, xã làm công trình công cộng. Một số ao hồ bị thu hẹp trong nhiều năm nay đang thành điểm ô nhiễm trong khu dân cư…

“Việc ao nhỏ, ao lớn bị san lấp đang có xu hướng tăng khi nghề nuôi cá không còn cho hiệu quả cao như trước đây”, ông Nguyễn Tiến Bằng, công chức địa chính-xây dựng xã Cẩm Hoàng cho biết.

Dù với lý do nào đi nữa, việc san lấp ao công đều là vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai.

“Mổ mèo lấy cá”

Gần đây, huyện Cẩm Giàng, xã Cẩm Hoàng đã chỉ đạo kiên quyết ngăn chặn các hành vi san lấp ao hồ trái phép. Các biện pháp tập trung rà soát, kiểm tra và phát hiện sớm được tăng cường từ thôn để xử lý kịp thời. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Cẩm Giàng, xã Cẩm Hoàng đã rà soát các khu vực có nguy cơ vi phạm để tăng cường quản lý. UBND xã tổ chức cho các hộ ký cam kết về hiện trạng, mốc giới đất đai, ao hồ... Tuy nhiên, việc khôi phục lại hiện trạng các ao bị san lấp trái phép như ban đầu là thách thức không nhỏ với chính quyền địa phương. Theo nhiều người liên quan, việc trả lại nguyên trạng khác nào chuyện “mổ mèo lấy cá”.

Theo UBND xã Cẩm Hoàng, sau khi được xã tuyên truyền, vận động, đại diện các gia đình vi phạm đều cam kết sẽ trả lại nguyên trạng. Từ đầu tháng 4 đến nay, hầu hết các hộ đã tự xúc đất cát san lấp để trả lại mặt nước ao hồ. Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Điếm ở thôn Phượng Hoàng chưa thực hiện và không hợp tác. UBND xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế lập lại hiện trạng.

Tuy nhiên, dẹp chỗ nọ lại phình chỗ kia. Năm 2023 vẫn phát sinh 5 trường hợp vi phạm, đều là tự ý san lấp hồ, ao làm vườn với tổng diện tích gần 4.000 m2.

img_1251.jpg
Những diện tích mặt nước không còn được sử dụng nuôi cá sẽ luôn tiềm ẩn khả năng bị xâm lấn bằng việc san lấp trái phép

Theo rà soát mới nhất, xã Cẩm Hoàng có trên 232 ha ao, hồ tự nhiên và nhân tạo. Trong tổng số diện tích mặt nước đó hiện chỉ khoảng 157 ha đang được khai thác hiệu quả, năng suất bình quân 92 tạ/ha, sản lượng thu trên 1.448 tấn/năm, giá trị lợi nhuận đạt khoảng 8 tỷ đồng/năm. Theo UBND xã, nghề nuôi cá ở Cẩm Hoàng chưa cho hiệu quả cao do chậm đổi mới trong sản xuất, định hướng thị trường đầu ra...

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng, để khắc phục triệt để tình trạng san lấp ao hồ trái phép, địa phương này đang tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện Luật Đất đai. Xã cũng tăng cường quy hoạch phát triển nghề nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hóa; vận động người dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, chuyển đổi sang mô hình nuôi cá thâm canh, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất. “Khi ao hồ được quan tâm khai thác hiệu quả, người dân sẽ phát huy vai trò chủ động bảo vệ mặt nước, bảo đảm môi sinh an toàn, xanh, sạch”, ông Thắng chia sẻ.

THÀNH LONG
(0) Bình luận
Chuyện lấp ao ở “trung tâm nuôi cá” Cẩm Hoàng