Câu chuyện về cá lồng trên sông Thái Bình bị chết vẫn “nóng”. Bên cạnh luận bàn về nguyên nhân, trách nhiệm, một vấn đề cũng rất được quan tâm là người nuôi cá lồng ở Hải Dương bị thiệt hại nặng có được hỗ trợ hay không?
Mấy ngày nay tôi đi công tác lên vùng Tây Bắc, gặp bà con Hải Dương trên này, xen trong những câu chuyện về quê hương còn cả những lời thăm hỏi về thiệt hại của các hộ nuôi cá lồng. Một số người bày tỏ rằng nếu có cách nào để “giải cứu” số cá ấy thì họ rất sẵn lòng.
Nhưng tiếc rằng “Nước xa không cứu được lửa gần”. “Của đau con xót”, “Tiền tỷ trôi sông”, “Cá gặm mất nhà”… là những lời bình luận của không ít người trên mạng xã hội khi nhìn những hình ảnh cá nổi trắng lồng, trắng sông. Thật sự quá xót xa!
Bên cạnh những giải pháp để hạn chế thiệt hại lan rộng, khắc phục ô nhiễm môi trường, những hộ nuôi cá bị thiệt hại đang rất mong là có hay không những chính sách hỗ trợ?
Trước hết, phải nói rằng những ngày qua nhiều hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại không cô đơn. Bởi ngay khi nắm được tình hình, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc hỗ trợ các hộ nuôi cá khắc phục thiệt hại, tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Ngày 9/4, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất, hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý tiêu hủy, kinh phí xác định nguyên nhân cá chết.
Các ngân hàng trong tỉnh cũng khẩn trương rà soát các hộ nuôi cá lồng có khoản vay tại ngân hàng để từ đó có biện pháp giúp tháo gỡ phù hợp. Mong được ngân hàng giãn nợ, được hỗ trợ phần nào, hay được chậm trả tiền cám, thuốc thú y… là nguyện vọng của nhiều hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng lúc này.
Tuy nhiên, cần nói ngay rằng, dù về phía chính quyền hay ngân hàng thì chắc chắn điều kiện để được hưởng cơ chế hỗ trợ đều rất chặt chẽ.
Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng những điều kiện sau: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
Về vấn đề quy hoạch, ngày 7/9/2017, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 2719/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng tỉnh Hải Dương đến năm 2025. Sau đó, tỉnh đã bãi bỏ quy hoạch trên khi Luật Quy hoạch có hiệu lực do không còn phù hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị các địa phương có các tuyến sông chạy qua cần rà soát, xác định vị trí các vùng nuôi cá lồng trên sông, tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch ở các cấp để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai thực hiện. Từ năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã khuyến cáo các địa phương không để phát sinh các lồng cá mới. Vậy mà theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn tỉnh vẫn có khoảng 7.400 lồng nuôi cá. Có thể thấy các vùng nuôi cá lồng trong tỉnh đã phát triển quá “nóng” thời gian qua. Ở một số nơi, các lồng cá san sát, mật độ nuôi quá dày. Mật độ dày thì thiếu oxy là điều dễ hiểu.
Cũng theo Nghị định số 02 nói trên, các hộ nuôi phải có đăng ký kê khai ban đầu, được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có)…
Nhưng trên thực tế rất nhiều hộ nuôi cá lồng tại Hải Dương vẫn nuôi theo kiểu tự phát, thấy người ta làm được mình cũng làm theo. Họ ít quan tâm đến việc kê khai hay xin xác nhận của UBND cấp xã. Chỉ đến khi thiệt hại xảy ra, nhiều người mới "than trời, trách đất".
Kể cả nuôi có quy hoạch, có xin xác nhận của UBND cấp xã… thì các hộ nuôi cũng chỉ được hỗ trợ trong trường hợp xác định nguyên nhân do thiên tai hoặc dịch bệnh. Nhưng hiện nay cơ quan chức năng có uy tín của Trung ương như Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, Chi cục Thú y vùng 2 đã xác định nguyên nhân cá lồng chết không do yếu tố dịch bệnh, mà do... thiếu oxy.
Như vậy khả năng được hỗ trợ là rất khó khăn.
KIM THANH