Hồ Hòa Bình có cảnh quan sơn thủy hữu tình, lưu giữ vẻ hoang sơ tự nhiên và được ví như Hạ Long trên núi nằm trên địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu.
Với dung tích hơn 9 tỷ m3, nguồn lợi thuỷ sản phong phú thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, hiện nay trên vùng hồ có gần 5 nghìn lồng nuôi cá của các hộ gia đình và doanh nghiệp, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 10 nghìn tấn.
Cùng với đó là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên sẵn có với 47 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác trên lòng hồ là thế mạnh cho phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp với khám phá nuôi trồng các loại thủy sản tại các lồng bè trên lòng hồ. Đây là một sản phẩm hấp dẫn, giúp du khách khám phá đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, văn hóa cũng như mảnh đất, con người nơi vùng hồ Hòa Bình.
Thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đã làm cho ngành nuôi thủy sản trên lòng hồ Hòa Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó việc thị trường nuôi cá lồng, cá nước ngọt bị bão hòa đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của các hộ nuôi. Nhận thấy lợi thế diện tích mặt nước lớn, cảnh quan thiên nhiên sông núi thơ mộng và thị hiếu của du khách khi đến du lịch trên hồ Hòa Bình, những năm trở lại đây nhiều hộ dân trên vùng hồ đã bắt đầu chuyển đổi hình thức phát triển kinh tế nuôi cá lồng gắn với cung cấp các loại hình dịch vụ cho du khách như ăn uống, lưu trú...
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình, xóm Tháu, phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình đã quyết định sửa chữa cải tạo không gian nuôi 7 lồng cá thành một homestay nổi trên mặt nước. Qua đó, vừa để tiện sinh hoạt gia đình chăm nuôi lồng cá, vừa tạo điểm nhấn cho cảnh quan và thu hút du khách đến tham quan sử dụng các dịch vụ ăn uống, lưu trú trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa trên vùng hồ Hòa Bình.
Theo như ông Bình chia sẻ, nhiều đoàn du khách sau khi đến tham quan, vãn cảnh trên vùng hồ tại các địa danh như đền Chúa Thác Bờ, Động Thác Bờ... sau đó sẽ có nhu cầu tham quan mô hình nuôi cá lồng bè và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực địa phương đặc biệt là các sản phẩm từ cá sông Đà.
Thời gian đầu lồng bè gia đình ông Bình chỉ phục vụ những đoàn khách thông qua nhà tàu đặt ăn trưa. Tuy nhiên, khi nhận thấy nhiều đoàn du khách muốn ở lại lồng bè để trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên vùng hồ về đêm gia đình ông Bình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi lồng bè nuôi cá thành mô hình homestay kết hợp, đồng thời đóng tàu chở khách, đa dạng thêm các dịch vụ phục vụ về ẩm thực, lưu trú. Cùng với đó ngay tại homestay nổi của gia đình ông Bình sẵn sàng cung cấp cá thương phẩm cho du khách khi họ có nhu cầu mang về.
Với hướng chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nuôi cá lồng kết hợp các dịch vụ du lịch ẩm thực ngay trên vùng hồ đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao khi nhiều đoàn khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đặt lịch để tham quan, trải nghiệm.
Chị Hoàng Lệ Thủy, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ, đây là lần đầu tiên gia đình chị được trải nghiệm một chuyến tham quan rất đặc biệt và thú vị. Mọi người được lưu trú và thưởng thức ẩm thực trên một homestay nổi và ngắm cảnh quan sông núi về đêm trên hồ Hòa Bình, ngoài ra còn có nhiều loại hình trải nghiệm như như câu cá, bơi thuyền kayak, leo núi... "Chúng tôi sẽ trở lại để được trải nghiệm thêm về cuộc sống sinh hoạt cũng như những giá trị văn hóa đặc sắc về con người và cảnh quan nơi đây", chị Thủy chia sẻ.
Ngoài ông Bình, nhiều hộ nuôi cá trên vùng hồ Hoà Bình đã đầu tư một cách bài bản, có quy mô nhằm phát triển mô hình nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái. Hiện có gần 20 hộ ở các tổ: Vôi, Tháu và một số xóm thuộc vùng lòng hồ các xã: Thung Nai (Cao Phong), Vầy Nưa, Tiền Phong (Đà Bắc) đã đăng ký loại hình kinh doanh du lịch.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, ông Vương Đắc Hùng cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ sản tinh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát triển mô hình nuôi cá lồng của các hộ đơn lẻ và qua các hợp tác xã, từng bước đã đạt được hiệu quả tích cực. Tỉnh chú trọng nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, tiếp tục khai thác bền vững nguồn lợi tự nhiên, nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước hình thành các mô hình kinh tế lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm, giáo dục, du lịch sinh thái...
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hòa Bình định hướng tập trung phát triển mạnh các loại cá đặc sản vùng hồ, áp dụng quy trình nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi và chế biến thuỷ sản nâng cao giá trị của đặc sản cá sông Đà.
Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016, đưa ra các định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực, là cơ sở và động lực quan trọng để triển khai lập các quy hoạch, dự án thành phần nhằm phát huy giá trị hồ Hòa Bình, góp phần phát triển du lịch và kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình.