Chiều 25/4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGAP phù hợp điều kiện tỉnh Hải Dương”.
Đây là đề tài do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thời gian thực hiện từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024.
Theo khảo sát của Ban chủ nhiệm đề tài, một số hộ dân trong tỉnh đã nuôi cá trê vàng nhưng chưa tập trung, mang tính tự phát, manh mún và nhỏ lẻ.
Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGAP tại 3 hộ dân ở các xã Hưng Long, Tân Quang (Ninh Giang) và Nhật Tân (Gia Lộc), tổng diện tích 2 ha với 600.000 con cá trê giống. Trước khi nuôi, các hộ dân xử lý môi trường nước, đáy ao bằng chế phẩm sinh học Bio, diệt khuẩn bằng Iodine... Ban chủ nhiệm đề tài đã hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh cho cá; định kỳ bổ sung các khoáng chất vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng…
Sau nuôi 5 tháng, cá trê vàng của các ao đều phát triển tốt, tốc độ sinh trưởng tương đối đồng đều; trọng lượng cá trung bình từ 225,3-240,5g/con, tỷ lệ sống đạt 73-77%, năng suất từ 49,3-55,5 tấn/ha/vụ; lợi nhuận trung bình từ 216-311 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGAP cho lợi nhuận cao hơn từ 86-161 triệu đồng/ha so với mô hình nuôi một số loại cá truyền thống. Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Gia Lộc) đã ký hợp đồng tiêu thụ 70% lượng cá trê vàng thương phẩm cho các hộ tham gia đề tài với mức giá từ 48.000-49.000 đồng/kg.
Sau khi kết thúc mô hình, các hộ tiếp tục nuôi cá trê vàng thương phẩm theo hướng VietGAP và mở rộng sang các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ.
HUYỀN TRANG