Ngủ bao nhiêu là đủ?

29/12/2022 15:57

Một số "cú đêm" khẳng định họ không thiếu ngủ, nhưng cũng có người ngủ nhiều hơn mức được khuyến nghị nhưng vẫn thức dậy trong tình trạng mệt mỏi.

Vậy thời lượng ngủ lý tưởng cho người trưởng thành là bao nhiêu?

Chuyên gia về giấc ngủ Jacqueline Geer, giảng viên y khoa tại Trường Y - Đại học Yale (Mỹ) về khoa phổi, chăm sóc đặc biệt và thuốc ngủ, đã chia sẻ về câu hỏi này.

Ảnh minh họa: Cottonbro Studio

Ảnh minh họa: Cottonbro Studio

Người trưởng thành trung bình cần ngủ bao nhiêu?

Tiến sĩ Geer cho biết, các khuyến nghị về giấc ngủ có xu hướng thay đổi theo độ tuổi và nhu cầu của từng cá nhân. Ví dụ, thời gian ngủ lý tưởng cho người trung niên và cao tuổi sẽ không giống thanh thiếu niên. Sự thay đổi này là do hormone melatonin trong não, được tiết ra muộn hơn vào ban đêm đối với người trẻ. Do đó, người trưởng thành trung bình cần ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm, nhưng người trên 65 tuổi có xu hướng ngủ ít hơn một chút, trung bình từ 7-8 tiếng.

Thời lượng giấc ngủ bạn cần thay đổi như thế nào khi bạn già đi?

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), thời gian bạn cần ngủ sẽ thay đổi khi già đi. Dưới đây là các đề xuất được chia nhỏ theo nhóm tuổi:

Sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ
Trẻ nhỏ (4-12 tháng): 12-16 giờ
Trẻ mới biết đi (1-2 tuổi): 11-14 giờ
Mẫu giáo (3-5 tuổi): 10-13 giờ
Tuổi đi học (6-12 tuổi): 9-12 giờ
Thanh thiếu niên (13-18 tuổi): 8-10 giờ
Người lớn (18-60 tuổi): 7 giờ
Người lớn (61-64 tuổi): 7-9 giờ
Người lớn (65 tuổi trở lên): 7-8 giờ

Làm thế nào bạn biết mình ngủ đủ giấc hay không?

Không dễ để biết liệu bạn có ngủ đủ giấc hay không, đặc biệt nếu bạn có hấp thụ caffein hoặc uống nước tăng lực. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình thường xuyên muốn gà gật ngoài giờ ngủ thông thường, rất có thể bạn đã không ngủ đủ giấc vào ban đêm.

Ngoài thời gian của giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến cảm giác của bạn.

Làm thế nào bạn có thể ưu tiên giấc ngủ?

Theo tiến sĩ Geer, giấc ngủ nên được ưu tiên dù đó là một khó khăn trong cuộc sống hiện đại. Công nghệ đã thực sự làm mờ đi ranh giới giữa công việc và gia đình, hầu hết chúng ta sử dụng email hoặc tin nhắn bất cứ lúc nào.

Tiến sĩ Geer gợi ý: "Tôi khuyên bạn nên đặt thời gian cố định cho việc lướt điện thoại và sau đó dừng sử dụng thiết bị khoảng một giờ trước khi đi ngủ, tạo thành thói quen hàng ngày trước khi chìm vào giấc ngủ. Đây là cách để rèn luyện cơ thể bạn biết rằng đã đến giờ đi ngủ".

Điều thực sự quan trọng là phải duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy nhất quán, theo tiến sĩ Geer.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngủ bao nhiêu là đủ?