Khi gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể sẽ bị khủng hoảng tinh thần, sức khỏe. Trong đó, rối loạn giấc ngủ nguy hiểm thường gặp là "hội chứng ngưng thở khi ngủ" mà nhiều người mắc nhưng không hay biết.
Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn - Trưởng Khoa Tổng hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) nhận định ở Việt Nam, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là bệnh lý thường gặp nhưng ít người biết đến, nguy cơ tiềm ẩn mà nó mang lại rất lớn nếu không điều trị kịp thời.
Người bệnh (hay người thân) có thể nhận biết từ biểu hiện sớm ban đầu của bệnh ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngáy hoặc cảm giác nghẹt thở ban đêm khi ngủ.
Theo thời gian, khi xuất hiện tình trạng ngưng thở, sức khỏe người bệnh sẽ bị suy giảm nhanh chóng và thậm chí còn có thể gây ra những biến chứng rất đáng tiếc như đột quỵ.
Theo bác sĩ Tuấn, nguy hiểm là người bị ngưng thở khi ngủ thường không thể tự nhận biết bệnh lý này của mình vì xảy ra khi đang ngủ. Chú ý triệu chứng ban đầu thường là buồn ngủ ban ngày, ngáy, nghẹt thở, thở hổn hển, thường đau đầu vào buổi sáng.
Thông thường, một số trường hợp người thân trong gia đình quan sát khi thấy những đợt thở ngắt quãng gắng sức khi ngủ thông qua tiếng ngáy, nên động viên người bệnh đi khám bệnh để điều trị.
Một số triệu chứng ít gặp hơn có thể là: giấc ngủ chập chờn, thức giấc nhiều lần, giấc ngủ không sâu, tiểu đêm, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, thay đổi tính tình trở nên cáu gắt, giảm ham muốn tình dục…
Một trường hợp người bệnh bị chứng ngưng thở khi ngủ đến điều trị mới đây là một ví dụ điển hình. Anh P.T.P. (42 tuổi, ngụ ở TP Cần Thơ) đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long khám và tư vấn, do thường ngủ ngáy nhiều, sáng dậy nặng đầu, buồn ngủ vào ban ngày và khó tập trung làm việc…
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ nhận thấy người bệnh có thừa cân; chẩn đoán ban đầu là mắc hen phế quản và hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng. Các bác sĩ đã tư vấn về mức độ nguy hiểm của hội chứng ngưng thở khi ngủ và thuyết phục người bệnh điều trị.
Người bệnh được chỉ định thở áp lực dương liên tục khi ngủ, dùng thuốc điều trị hen phế quản và thăm khám điều trị ngoại trú trong 1 tháng. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng hen phế quản cải thiện, người bệnh đã giảm số lần dùng thuốc cắt cơn hen, cảm nhận thở dễ dàng hơn, làm việc tập trung, không còn buồn ngủ ban ngày.
Đặc biệt người bệnh cảm thấy vui vẻ, thoải mái vì được ngủ ngon giấc mỗi đêm và theo người nhà thì khi ngủ không còn ngáy nhiều như trước nữa.
Hiện nay, có nhiều phương pháp nhận biết và điều trị sớm hội chứng này. Khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ cần tầm soát bằng bảng câu hỏi, cùng các chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán.
Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định hội chứng ngưng thở khi ngủ là phương pháp đo "đa ký giấc ngủ" - là một khảo sát dùng để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ.
Phương pháp này ghi lại sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và lưu lượng khí, cũng như chuyển động ngực, bụng và chân trong quá trình khảo sát.
Theo bác sĩ Tuấn, phương pháp đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán chính xác các rối loạn giấc ngủ, mức độ nặng, từ đó có thể lên kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể. Khi thực hiện người bệnh sẽ ngủ lại một đêm tại bệnh viện, được theo dõi liên tục trong đêm.
Sau khi có kết quả đa ký giấc ngủ, sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn chi tiết để xác định được phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn cho biết một số yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ: nam giới trên 40 tuổi; béo phì (BMI ≥ 25); vòng cổ to (nam trên 40cm và nữ trên 39cm); thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, hay mắc bệnh Parkinson, trầm cảm;
Hoặc người có bất thường giải phẫu của đường hô hấp trên như: lưỡi to, vòm họng hẹp, phì đại amidan, cằm lẹm; thường xuyên có trào ngược dạ dày, viêm họng mạn; có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang.
Một số phương pháp điều trị theo nguyên nhân gồm: béo phì điều trị giảm cân (dinh dưỡng hợp lý, thể dục); nguyên nhân khác như viêm amidan thì cắt amidan; vòm hầu thấp thì phẫu thuật khoét vòm hầu; chỉnh hình lưỡi…
Điều trị triệu chứng gồm: nằm nghiêng, tránh rượu bia, tránh dùng thuốc an thần, thuốc ngủ khi chưa được chỉ định, thở máy CPAP (áp lực dương), đeo dụng cụ hàm giả…
Ngưng thở khi ngủ lâu ngày sẽ gây giảm oxy máu, tăng nồng độ CO2 và gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng. Thay vì được nghỉ ngơi, các tạng trong cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù trừ tình trạng thiếu oxy não.
Do đó có thể gây đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp mất kiểm soát, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường mất kiểm soát… Vì vậy việc thăm khám để được tư vấn điều trị sớm rất cần thiết.
HQ (theo Tuổi trẻ)