Để tránh lãng phí nguồn lực công nghệ thông tin đã có, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trước khi thay đổi sử dụng hệ thống, dịch vụ dùng chung mới, cần đánh giá, rà soát lại những hệ thống, phần mềm đã, đang sử dụng để có giải pháp khắc phục...
Hiện nay, nhiều hệ thống dùng chung như dịch vụ công trực tuyến quốc gia, dịch vụ công trực tuyến của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; các ứng dụng của các sở, ngành ở Hải Dương giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện. Đơn cử để tra cứu tiền điện, điểm thu tiền điện, lịch cắt điện... người dùng chỉ cần vào trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) mở mục tra cứu, lựa chọn các tác vụ cần tra cứu sẽ cho ra kết quả nhanh chóng.
Để xây dựng các hệ thống dùng chung, dịch vụ công trực tuyến, việc thiết lập cơ sở dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng, mất nhiều thời gian, công sức, từ đầu tư hạ tầng cơ sở dữ liệu như hệ thống máy chủ, đường truyền internet, các phần mềm quản lý nghiệp vụ đến nhập dữ liệu. Điển hình là xây dựng Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) để khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, nằm ở nhiều bộ phận khác nhau. Để Đề án 06 sớm về đích, các địa phương trong cả nước, trong đó có Hải Dương đang tích cực chạy đua, đẩy nhanh tiến độ thu nhận, cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Thực hiện chuyển đổi số, không ít đơn vị đã mạnh dạn thay đổi, loại bỏ các hệ thống, phần mềm đơn lẻ để triển khai các ứng dụng dùng chung, cơ sở dữ liệu liên thông với bộ, ngành trung ương, phù hợp mục tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay. Một số đơn vị đang triển khai tích hợp nghiệp vụ quản lý của ngành mình trên cơ sở dữ liệu sẵn có của các bộ, ngành trung ương bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, tinh gọn đầu mối phần mềm, giảm từ nhiều hệ thống còn 1 hệ thống giúp giảm thời gian, công sức và bảo đảm độ chính xác của dữ liệu.
Việc thay đổi, áp dụng các hệ thống dùng chung là tất yếu, nhưng để ứng dụng cái mới phải loại bỏ những hệ thống, phần mềm đã và đang triển khai tại các cơ quan, đơn vị cũng tạo ra nhiều băn khoăn cho đối tác cung cấp phần mềm, dịch vụ và cả người sử dụng, đồng thời gây lãng phí tiền của khi không tận dụng được nguồn lực đã có. Có những phần mềm nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị đã được ứng dụng trong nhiều năm, với nhiều nghiệp vụ quản lý cơ quan, đơn vị, người dùng đã quen sử dụng... Một trong những nguyên nhân phải loại bỏ những phần mềm này do dữ liệu người dùng nhập còn thiếu, kho dữ liệu được liên thông lên hệ thống của bộ, ngành, nhưng không được cập nhật thường xuyên, không có dữ liệu "sống", gây khó khăn cho việc tra cứu thông tin. Nhiều đối tác cung cấp phần mềm, dịch vụ đã đề xuất tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các sở, ngành, cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm, kèm nhiều giải pháp về công nghệ, quy trình, nghiệp vụ để khắc phục việc dữ liệu chưa liên thông, cập nhật thường xuyên.
Để tránh lãng phí nguồn lực công nghệ thông tin đã có, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trước khi thay đổi sử dụng hệ thống, dịch vụ dùng chung mới, cần đánh giá, rà soát lại những hệ thống, phần mềm đã, đang sử dụng để có giải pháp khắc phục, hoặc nâng cấp, phát triển dựa trên những phần mềm sẵn có. Đồng thời tỉnh sớm xây dựng hạ tầng dữ liệu dùng chung theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh sáng 6.6 là Hải Dương phấn đấu hoàn thiện hạ tầng dữ liệu, làm nền tảng tập trung, tích hợp cơ sở dữ liệu, phục vụ chuyển đổi số trong năm 2023.
NHẤT NGUYÊN