Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Cẩm Đông

HÀ KIÊN 09/04/2024 15:02

Xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài đạt chuẩn kiểu mẫu về giáo dục, Cẩm Đông còn được đánh giá cao về chuyển đổi số.

z5316773782272_57c29a263f1e8d74a23fcebc34115462.jpg
Thương hiệu "trứng gà ông Thuân" đã nức tiếng gần xa, một phần nhờ ứng dụng thương mại điện tử

Phát triển nhờ công nghệ

Sau hơn 3 năm, chúng tôi quay trở lại cơ sở nuôi gà đẻ trứng của ông Đào Hữu Thuân ở thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông. Vẫn là cơ sở lớn nhất nhì Hải Dương, mỗi ngày xuất bán hơn 4 vạn quả trứng, song điểm khác biệt lớn nhất đó là thương hiệu “trứng gà ông Thuân” nay đã có chỗ đứng riêng.

Năm 2015, ông Thuân chuyển sang mô hình nuôi gà đẻ trứng. Sau biến cố vì đại dịch Covid-19, ông Thuân đã lập gian hàng kinh doanh trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò. Đó cũng là thời điểm chúng tôi từng về trang trại này để ghi nhận nỗ lực của người dân trong việc tiếp cận công nghệ, đổi mới quy trình kinh doanh nhằm vượt đại dịch. Khi đó mỗi ngày, trang trại của ông Thuân chỉ mất vài tiếng đồng hồ để “chốt đơn” hơn 4 vạn quả trứng. Nhưng nay, lượng trứng bán trên sàn gần như rất ít.

Nghịch lý đó là bởi sau khi kinh doanh thương mại điện tử được một thời gian, thương hiệu trứng gà của gia đình ông Thuân đã tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng tại nhiều địa phương trên cả nước. "Tôi nhớ chỉ sau 2 năm kinh doanh trên sàn Vỏ sò, trang trại của tôi đã bắt đầu đón tiếp hàng trăm lượt thương lái đến đặt mua trực tiếp. Trứng gà có đến đâu thương lái vào thu mua hết đến đấy. Chính vì vậy lượng trứng bán trên sàn thương mại điện tử nay không đáng kể, vì không đủ trứng để bán”, ông Thuân chia sẻ. Nhờ thương mại điện tử, thương hiệu “trứng gà ông Thuân” đã nức tiếng gần xa, mang lại doanh thu trung bình 1,5 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông.

Là ngôi trường đầu tiên của huyện Cẩm Giàng đăng ký xây dựng trường tiêu biểu, điển hình cấp tiểu học năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Cẩm Đông không chỉ có thành tích nổi bật trong chất lượng giảng dạy, mà còn chủ động trong ứng dụng công nghệ số.

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, ngay từ đầu học kỳ 2 năm học 2023-2024, dù chưa nằm trong danh sách 5 trường (trong tổng số 18 trường tiểu học) triển khai ứng dụng giáo án điện tử, song trường đã chủ động thí điểm phần mềm này. Trước đây, trung bình mỗi thầy cô giáo của trường phải in khoảng 2800 trang giáo án, tài liệu/năm học để phục vụ quản lý và giảng dạy, chưa kể thời gian giáo viên phải trình phê duyệt các tập giáo án này. Với giáo án điện tử, điều này đã được loại bỏ.

“Dưới sự chỉ đạo chung của ngành giáo dục tỉnh, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng hệ thống quản lý giáo án điện tử thay thế việc quản lý giáo án giấy. Sự thuận lợi trong công tác dạy học của các thầy, cô giáo cũng như tiết kiệm chi phí là điều dễ dàng nhận thấy”, thầy giáo Vũ Trọng Vịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

z5316773775052_b3fee8280d30f83e775813e0650b64a3.jpg
Giáo án điện tử cùng những trang thiết bị điện tử đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường của xã Cẩm Đông

Không riêng giáo án điện tử, 26 phòng học của Trường Tiểu học Cẩm Đông cũng đã được trang bị 21 ti vi màn hình 65 inch, 5 phòng học còn lại sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Hơn 20 năm giảng dạy tại trường, cô giáo Phạm Thị Loan cho biết: “Không chỉ đơn thuần chỉ là phấn và sách vở, việc dạy và học với công nghệ ngày nay giúp học sinh có cái nhìn trực quan hơn, nhất là với những môn khoa học, lịch sử. Bản thân giáo viên cũng phải cập nhật kiến thức mới để nâng cao chất lượng dạy”.

Lan tỏa từ công nghệ

z5316773776679_5b8107504a0bb1ad7d894d56065a2c75.jpg
Xã Cẩm Đông là địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến ở mức cao

Hơn 4.500 trong tổng số gần 5.000 người lao động sử dụng điện thoại thông minh, được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính, kỹ năng số cơ bản; 22 điểm công cộng như nhà văn hóa, bộ phận “một cửa” được trang bị wifi miễn phí... là một số điểm nổi bật mà Cẩm Đông đã đạt được về công tác chuyển đổi số trên địa bàn trong quá trình xây dựng và về đích nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022 đến nay.

Cẩm Đông luôn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến ở mức cao. Năm 2023, 98% trong tổng số gần 5.700 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, 99,6% số lượng hồ sơ này được số hóa; 98,5% số hồ sơ được số hóa kết quả giải quyết. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, 973 trong tổng số hơn 1.000 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến, đạt 96%, 99% số hồ sơ được số hóa.

Vừa quan sát tình hình an ninh trật tự trên một số tuyến đường của xã qua màn hình giám sát của hệ thống gần 100 camera an ninh, ông Đỗ Văn Quyên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đông vừa giới thiệu đôi nét về thôn thông minh Vĩnh Lại. Chỉ riêng tại thôn này, qua nguồn lực xã hội hóa đã lắp đặt được 16 camera giám sát an ninh tại một số nút giao thông, tuyến đường trục chính. Việc thanh toán không dùng tiền mặt tại thôn này cũng được đẩy mạnh. Cơ bản các nơi có hoạt động mua bán, kinh doanh như chợ, cửa hàng tạp hóa... người dân đều có thể chuyển khoản thanh toán.

“Thời gian tới, UBND huyện Cẩm Giàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương nói chung, xã Cẩm Đông nói riêng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, tăng cường hướng dẫn người dân trong tiếp cận công nghệ số cũng như nhận diện thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, góp phần nâng cao chỉ số chuyển đổi số của huyện”, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cẩm Giàng cho biết.

HÀ KIÊN
(0) Bình luận
Chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Cẩm Đông