<b>Quỹ BHYT liên tục âm có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT...</b><br>
Báo cáo trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVI mới đây, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh đưa ra con số thâm hụt Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn tỉnh đến hết năm 2016 là gần 240 tỷ đồng.
Nếu so sánh với con số âm 95 tỷ đồng được người đứng đầu ngành BHXH tỉnh báo cáo tại Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVI ngày 5.10.2016 thì trong chưa đầy 3 tháng, Quỹ BHYT của tỉnh âm thêm gần 145 tỷ đồng. Đây là con số đáng báo động, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà ngay cả người dân cũng rất lo lắng. Điều đáng nói, thâm hụt Quỹ BHYT không có dấu hiệu dừng lại mà còn tiếp tục tăng. Theo nguồn tin đáng tin cậy từ BHXH tỉnh, đến hết tháng 6 vừa qua, Quỹ BHYT của tỉnh âm gần 300 tỷ đồng.
Quỹ BHYT liên tục âm có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Nhà nước quy định thực hiện khám chữa bệnh BHYT thông tuyến cấp huyện giúp người dân tiện lợi hơn nhưng chính sách này đang bị một số người lợi dụng để trục lợi Quỹ BHYT khi đi khám ở nhiều bệnh viện trong thời gian ngắn để lấy thuốc. Một số cơ sở tìm mọi cách thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh, kể cả khi người có thẻ BHYT không có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, do ảnh hưởng của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính về tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT có hiệu lực từ ngày 1.3.2016. Trong đó, việc nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT "chưa thật sự tiết kiệm" trong sử dụng Quỹ BHYT là nguyên nhân chính.
Kết quả khảo sát mới đây của các sở, ngành liên quan tại một số bệnh viện lớn trong tỉnh cho thấy trong quá trình khám cận lâm sàng, bình quân cứ 100 bệnh nhân đến khám chữa bệnh (cả nội trú và ngoại trú) thì có 30 người được chỉ định chụp CT, 74 người được chỉ định xét nghiệm đánh giá tình trạng tắc mật, 49 người được chỉ định xét nghiệm đánh giá tình trạng hủy hoại tế bào gan (cá biệt có nơi lên đến 100%), 100% số người được xét nghiệm đánh giá tình trạng máu nhiễm mỡ...
Những chỉ định y tế này không sai quy định về chuyên môn của ngành y tế. Song, nếu như các cơ sở y tế phát huy hơn về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của cán bộ y tế, hạn chế tình trạng ỷ lại vào cận lâm sàng trong chẩn đoán thì có thể chi phí BHYT sẽ tiết kiệm hơn.
Ngoài ra, việc xã hội hóa trang thiết bị y tế đến từng khoa, phòng cũng dẫn tới tình trạng nhiều máy móc xã hội hóa lấn át máy ngân sách trong sử dụng, thậm chí còn được chỉ định sử dụng với tần suất cao hơn. Toàn tỉnh hiện có 118 thiết bị y tế xã hội hóa đặt ở các bệnh viện với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng. Số tiền này được huy động của cán bộ, nhân viên ngành y tế và nhà đầu tư bên ngoài.
Ngoài ra, xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở y tế có số bệnh nhân điều trị nội trú tăng so với trước. Sau khi Thông tư 37 có hiệu lực, tiền giường bệnh cùng với giá dịch vụ điều trị nội trú tăng nhiều so với trước và tăng khoảng 10 lần so với điều trị ngoại trú. Xuất hiện tình trạng người bệnh có thể chỉ cần khám bệnh, phát thuốc điều trị ngoại trú nhưng một số cơ sở y tế lại đề nghị điều trị nội trú. Theo tính toán, bình quân một đợt điều trị nội trú cho một bệnh nhân tiêu tốn hơn 3 triệu đồng, trong khi một lần khám chữa bệnh ngoại trú chưa hết 300.000 đồng.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, các cơ quan liên quan cần tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu sớm thay đổi mô hình quản lý Quỹ BHYT. Cần tổ chức bộ máy BHYT theo hình thức là Hội đồng Quản lý Quỹ BHYT, có đầy đủ các thành phần là đại diện cho Nhà nước, người thụ hưởng BHYT, ngành y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, chủ sử dụng lao động, đại diện cho người lao động. Hội đồng này có thể do Nhà nước thuê hoặc thuê giám đốc giỏi để điều hành. Bên cạnh đó, cần triển khai nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ như giám định tại chỗ, giám định ngược... để giảm thiểu việc trục lợi Quỹ BHYT. Các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong thực hiện chính sách BHYT để Quỹ BHYT đúng là phao cứu sinh cho người bệnh.
SỸ THẮNG