Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quý 1 vừa qua chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng bất thường so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều tỉnh tăng trên 20%, với tổng chi tăng gần 4.000 tỷ đồng.
Tăng chi từ quỹ nhưng liệu người bệnh có lợi, chi liệu đã đúng hay chi phí vào đâu là điều nhiều người quan tâm.
Theo báo cáo tình hình chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên toàn quốc 3 tháng đầu năm do Ban Thực hiện chính sách BHYT thực hiện, số lượt và số chi gia tăng do chi phí điều trị nội trú, ngoại trú bình quân chung và tại một số tỉnh; tỉ lệ chỉ định cấp cứu, xét nghiệm, điều trị nội trú... đều tăng.
Theo báo cáo này, trong quý 1 toàn quốc có 40,4 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 6,47% so với cùng kỳ 2023; quỹ BHYT chi trả 30.974.470 triệu đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính tỉ lệ sử dụng quỹ dự toán quý 1 tăng trên 26,8% so với cùng kỳ, tỉ lệ chi tăng 13,9% so với cùng kỳ. Một số tỉnh thành có gia tăng rất lớn như Tây Ninh (32,8%), Tiền Giang (35,9%), Đà Nẵng (31,5%), Quảng Bình (27,8%)...
Cá biệt, có những cơ sở y tế có số chi khám chữa bệnh BHYT tăng hơn 5-10 lần so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có tỉ lệ chi thuốc cao hơn rất nhiều so với bình quân chung toàn quốc và tăng hơn nhiều so với số lượt khám chữa bệnh.
Các tỉnh, thành có tỉ lệ chi thuốc tăng cao hơn so với bình quân chung toàn quốc như Sơn La (129%), Quảng Bình (128%), Khánh Hòa (124%), Quảng Ninh (123%), Thái Bình, Hà Tĩnh (122%), Đắk Lắk, Phú Thọ, Hải Phòng, Trà Vinh (120%). Bên cạnh đó, tại nhiều phòng khám đa khoa trong khi các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không giảm thì chi phí thuốc gần như bằng 0%.
Ban thực hiện chính sách BHYT đánh giá chi phí BHYT cho thuốc tăng trong 3 tháng đầu năm nguyên nhân do năm 2023 các thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã được Bộ Y tế phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả đàm phán giá đối với 64 thuốc thuộc danh mục đàm phán giá. Ngoài ra, một số tỉnh chậm thầu năm 2023 đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến tăng chi.
Trong khi tỉ lệ chi cho thuốc tăng thì tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc lại không tăng, đều ở mức 25%; tỉ lệ sử dụng vật tư y tế giảm nhẹ.
Cũng theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT, qua rà soát kết quả lựa chọn nhà thầu cho thấy giá thuốc trúng thầu mỗi nơi một giá.
Cụ thể, thuốc có hoạt chất Ceftriaxon 2g, nhóm 1 có giá trúng thầu 56.000 đồng/lọ, trong khi hàm lượng thuốc này loại 1g, nhóm 1 có dải giá trúng thầu cả nước năm 2023 từ 14.000 - 17.000 đồng/lọ.
Thuốc chứa hoạt chất Ceftazidim 3g, tiêm, nhóm 4, giá trúng thầu 88.000 đồng/lọ, trong khi hàm lượng 1g cùng nhóm có giá trúng thầu 9.400 đồng/lọ (hàm lượng cao hơn 3 lần, giá cao hơn 9 lần).
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng chênh lệch khá lớn giá trúng thầu cùng loại vật tư y tế giữa các bệnh viện và các địa phương, ví dụ khớp gối toàn phần hãng M. của Mỹ tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh) là 65 triệu đồng, Bệnh viện 30/4 TP Hồ Chí Minh là 62 triệu đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy là 56,5 triệu đồng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh là 55 triệu đồng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An là 51,3 triệu đồng.
Hay bộ máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng SPHERA SR, có đáp ứng, SureScan MRI và phụ kiện chuẩn hãng Medtronic/Singapore tại Bệnh viện 103 (Hà Nội) là 52,5 triệu đồng, Bệnh viện 354 Hà Nội là 52,4 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Nghệ An, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng là 50 triệu đồng, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế là 45 triệu đồng.
Ban Thực hiện chính sách BHYT đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành tăng cường công tác rà soát, phân tích so sánh giá vật tư y tế ngay khi có kết quả đấu thầu để có các biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần làm giảm chi vật tư y tế của quỹ BHYT cũng như phần chi trả từ tiền túi người bệnh.
Tại cuộc họp mới đây về đánh giá chi phí khám chữa bệnh BHYT, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho hay việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường ở các tỉnh có nhiều nguyên nhân, lãnh đạo bảo hiểm xã hội một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này; chưa phối hợp tốt với sở y tế; cách làm vẫn theo lối cũ, thiếu sáng tạo. Bên cạnh đó, có tình trạng chỉ định cấp cứu, nội trú quá cao tại một số cơ sở y tế...
Trao đổi với phóng viên, ông Hòa cho hay việc tăng chi phí cho khám chữa bệnh BHYT tăng cao ở một số tỉnh, còn lại các tỉnh tăng không đáng kể, chưa quá lo ngại.