Y tế - Sức khỏe

Đi khám bảo hiểm y tế nhưng tốn tiền triệu mua thuốc

TB (theo Tuổi trẻ) 13/05/2024 13:26

Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), được bác sĩ kê toa thuốc, nhưng đến lúc mua thuốc thì bệnh nhân phải bỏ ra tiền triệu để mua do hết thuốc hoặc BHYT không có loại thuốc này.

Bệnh nhân chen chúc chờ đợi lãnh thuốc ngoài danh mục BHYT, thuốc dịch vụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: NGỌC NHI
Bệnh nhân chen chúc chờ đợi lãnh thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế, thuốc dịch vụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh

Tình trạng bệnh nhân BHYT phải bỏ tiền triệu ra mua thuốc điều trị bệnh xảy ra ở rất nhiều bệnh viện.

Bệnh nhân không đủ tiền, xin được mua thuốc trong vài ngày

Một ngày cuối tháng 4, tại khu vực nhà thuốc dịch vụ Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung rất đông bệnh nhân chờ lãnh thuốc. Nhiều bệnh nhân đi khám theo diện BHYT sau khi được bác sĩ kê toa đã phải mua thêm thuốc ngoài danh mục với số tiền rất lớn.

Như trường hợp bà N.T.D.H. (51 tuổi, Bình Thuận). Bà H. bị bệnh suy tim 3 năm nay, hằng tháng bà đều phải đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh. "Tiền thuốc BHYT hỗ trợ phần lớn nên chỉ cần trả vài trăm ngàn thôi. Riêng có loại thuốc phải mua ngoài danh mục lên đến hơn 1 triệu đến 2 triệu đồng" - bà H. cho biết.

Trường hợp khác là ông T.V.D. (48 tuổi, An Giang). Theo lời người nhà ông, tiền thuốc theo BHYT là hơn 3,6 triệu đồng được BHYT hỗ trợ nên chỉ phải thanh toán 850.000 đồng. Ngoài ra, còn phải mua thêm một loại thuốc ngoài danh mục với giá hơn 500.000 đồng. Một bệnh nhân khác bị viêm gan, tắc ống dẫn mật phải đặt stent kim loại, tuy nhiên bệnh viện lại không có thiết bị này.

Trước thực trạng này, ông N.D.T. (62 tuổi, Đồng Nai) bày tỏ: "Tôi bị tắc ống dẫn mật phải đặt stent kim loại. Bệnh nhân mắc các bệnh như tôi cần phải có những thiết bị hỗ trợ, đặt ống nhưng bệnh viện, BHYT lại không đầu tư hỗ trợ chữa bệnh cho bệnh nhân. Tôi đến khám, lãnh thuốc BHYT thôi, còn thuốc ngoài danh mục tôi đem toa thuốc về quê mua chứ mua tại bệnh viện không đủ tiền".

Mỗi tháng ông T. phải trả 4-5 triệu đồng với tiền thuốc ngoài danh mục, trong khi BHYT hỗ trợ, tiền thuốc BHYT không đáng kể.

Tại Bệnh viện Bình Dân cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị theo diện BHYT, tuy nhiên họ vẫn phải trả số tiền thuốc cho những loại thuốc ngoài danh mục.

Ông N.V.T (48 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) có giấy chuyển viện đến khám BHYT và mua thuốc tại Bệnh viện Bình Dân. Dù có BHYT nhưng ông vẫn phải trả số tiền thuốc lớn với "toa thuốc ngoài".

"Tiền thuốc, dịch truyền được BHYT hỗ trợ, tôi chỉ thanh toán 462.000 đồng. Tuy nhiên, tôi phải mua thêm 2 loại thuốc bên ngoài với giá hơn 2,2 triệu đồng" - ông T. kể.

Tương tự, ông T.X.D. (47 tuổi, Bình Phước) đi từ Bình Phước đến Bệnh viện Bình Dân khám bệnh và chờ lấy thuốc. Ông D. kể: "Tôi đến khám gan tại bệnh viện. Ngồi chờ khám, đợi lấy thuốc mấy tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, có những loại thuốc không có trong BHYT, tôi phải ra mua thuốc ở ngoài, ba loại thuốc hơn 700.000 đồng".

Đây chỉ là một số trường hợp trong nhiều trường hợp người dân đến khám bệnh BHYT nhưng phải mua thuốc không nằm trong danh mục BHYT. Những loại thuốc ngoài này thường có giá tiền cao. Có những trường hợp bệnh nhân phải xin mua thuốc ít ngày so với kê đơn của bác sĩ vì không đủ tiền chi trả. Bệnh nhân phải về địa phương rồi mua thêm thuốc uống.

Bệnh viện bị thiếu hụt thuốc do đấu thầu

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đã rất nỗ lực để có thể cung cấp đủ thuốc cho nhu cầu điều trị người bệnh BHYT. Tuy nhiên, một số mặt hàng thuốc trong gói thầu gần nhất đã không có công ty dự thầu nên tạm thời bị thiếu hụt các thuốc này. Bệnh viện đang lên kế hoạch để tổ chức đấu thầu lại các thuốc.

Còn tại Bệnh viện Bình Dân có đủ thuốc cho bệnh nhân BHYT không thì theo bệnh viện này, hiện bệnh viện vẫn có đủ thuốc. Việc một số bệnh nhân BHYT vẫn phải bỏ tiền túi ra mua thuốc vì có những lý do khác nhau.

Bao giờ người bệnh BHYT mới hết mua thuốc giá cao?

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị, không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

Các cơ sở khám chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với giám định viên của BHXH thành phố điều chỉnh các vấn đề còn tồn tại, các sai sót sau giám định, sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các nội dung được BHXH TP thông báo...

Nhiều loại thuốc người bệnh phải tự chi trả

Người bệnh đi khám BHYT nhưng vẫn phải chi hàng triệu đồng để mua thuốc điều trị bệnh - Ảnh: NGỌC NHI
Người bệnh đi khám bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải chi hàng triệu đồng để mua thuốc điều trị bệnh

Ông T.X.D. (47 tuổi, ngụ ở Bình Phước) đến Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bình Dân khám, được chẩn đoán bị bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, gout mạn tính, tăng men gan.

Bác sĩ đã kê toa gồm các thuốc trong danh mục BHYT tại bệnh viện gồm Amlodipin, Clopidogrel. Ngoài ra, bác sĩ có kê toa thuốc ngoài danh mục BHYT bệnh viện gồm Rosuvastatin 10mg (biệt dược Vaxulax 10), Esomeprazole 20mg (biệt dược Esomaxcare 20mg), Silymarin 140mg và Silybin 60mg (biệt dược Eblamin), Allopurinol 300mg.

Về việc chỉ định thuốc Rosuvastatin, bác sĩ nhận định bệnh tim mạch do xơ vữa của người bệnh có chỉ định sử dụng thuốc nhóm statin hiệu lực cao với tác dụng phụ thấp, Rosuvastatin (liều khởi điểm 10mg) đã được cân nhắc lựa chọn hơn so với các thuốc khác cùng nhóm statin (ví dụ như Atorvastatin với liều khởi điểm 20mg). Ngoài ra, Rosuvastatin cũng đã được kê toa khi khám ở các cơ sở khám chữa bệnh khác trước đó.

Về việc chỉ định thuốc phối hợp Silymarin và Silybin, thuốc được chỉ định để điều trị tăng men gan do bệnh lý hoặc do dùng thuốc, phù hợp tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, thuốc chưa được đưa vào danh mục BHYT thanh toán nên người bệnh sẽ tự chi trả.

Tương tự việc chỉ định thuốc Allopurinol, người bệnh đã được chẩn đoán gout mạn tính và đã được kê toa Allopurinol tại một cơ sở y tế tuyến trước.

Bác sĩ chỉ kê lại thông tin thuốc để người bệnh tiếp tục dùng thuốc đặc trị theo đúng chỉ định và bảo đảm hiệu quả điều trị. Còn việc chỉ định thuốc Esomeprazole, trên quan điểm quản lý nguy cơ bệnh lý đường tiêu hóa trên người bệnh sử dụng thuốc tim mạch (người bệnh có dùng thuốc Clopidogrel), thuốc Esomeprazole (thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton) được cân nhắc sử dụng để dự phòng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng xuất huyết cho người bệnh. Do người bệnh chưa được nội soi dạ dày khảo sát tại thời điểm khám và kê toa, vì thế người bệnh chưa thỏa điều kiện được hưởng BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế (là loét dạ dày hoặc tá tràng đã được xác định qua nội soi đường tiêu hóa trên).

Đối với bệnh nhân N.V.T., 48 tuổi, ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, người bệnh đã từng phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi, cắt túi mật điều trị viêm đường mật do sỏi ống mật chủ, sỏi gan phải và sỏi túi mật. Sau khi thăm khám và được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán các tình trạng hậu phẫu thuật (Z98) và có viêm, xơ gan mật đại thể do biến chứng sỏi gan.

Bệnh nhân đã được kê toa với các thuốc trong danh mục BHYT tại bệnh viện gồm vitamin C. Ngoài ra, người bệnh được kê toa các thuốc không nằm trong danh mục BHYT là L-Ornithin-L-Aspartat 3g (biệt dược Hepeverex), Acid Ursodeoxycholic 300mg (biệt dược Ursobil 300) nên người bệnh tự chi trả. Người bệnh khi xuất viện còn ống dẫn lưu Kehr, dự tính phẫu thuật lấy sỏi tiếp sau đó. Bác sĩ chỉ định thuốc Acid Ursodeoxycholic nhằm tăng tiết mật, giúp phẫu thuật thuận lợi hơn cho người bệnh.

Do trường hợp của người bệnh nằm ngoài chỉ định thanh toán của BHYT (xơ gan ứ mật tiên phát, làm tan sỏi mật giàu cholesterol và trào ngược dạ dày - thực quản) nên người bệnh phải tự chi trả.

TB (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Đi khám bảo hiểm y tế nhưng tốn tiền triệu mua thuốc