Chưa bao giờ sắp tới ngày khai giảng mà thầy trò chúng tôi rối bời như lần này.
Chúng tôi nhận thông báo kế hoạch khai giảng năm học mới mà chưa thể hình dung sẽ bắt đầu từ đâu. Cô giáo đồng nghiệp, cũng là bạn tôi, vừa ra đi vì Covid. Một người khác vừa mất chồng và đang mang thai. Nhiều học trò của tôi và gia đình đang điều trị trong các bệnh viện.
Mới tuần trước, nghe tin bạn dương tính với Covid, tôi nhắn tin động viên, cô ấy vẫn trả lời. Thế mà sau một tuần, tôi nhận được tin trong nhóm lớp đại học: "Các bạn ơi bạn ấy ra đi rồi".
Bạn tôi ra đi khi mới 34 tuổi, để lại chồng và hai con 11 và 7 tuổi. Trang cá nhân vẫn còn tấm ảnh mới đăng bạn mừng sinh nhật con trong vùng phong tỏa đầu tháng 8. Cô mất khi chồng và con cũng đang chống chọi với Covid trong bệnh viện dã chiến.
Chúng tôi cùng làm giáo viên ở Bình Dương. Tôi khóc khi đọc dòng trạng thái cô viết "hy vọng dịch qua nhanh để quay trở về với phấn trắng, bảng đen" với hình mặc áo dài bên học trò. Phụ huynh và học sinh viết thêm "sẽ mãi nhớ cô giáo hiền".
Người bạn khác có chồng trở nặng vì Covid tuần trước. Anh được chuyển lên tuyến trên, hai vợ chồng mất liên lạc. Đang giãn cách nên không thể đi tìm chồng, cô lên mạng xã hội viết bài nhờ mọi người tìm kiếm thông tin giúp. Ngày thứ năm sau khi đăng bài, cô nhận được điện thoại từ bệnh viện: "anh ấy không qua khỏi".
Hơn 30 tuổi, cô đang mang thai con thứ hai, con đầu chuẩn bị vào lớp 1. Ba mẹ con gần như kiệt sức. Mấy ngày sau, cô mới có thể gượng dậy lo hương khói cho chồng đỡ lạnh lẽo. Cả nhà đều đang ở trong khu phong tỏa và chưa thể nhận tro cốt của anh.
Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đang là điểm nóng Covid. Không chỉ thầy cô, học trò của chúng tôi hầu hết đang chống chọi với dịch bệnh.
Xóm trọ của Duyên, học sinh cũ của tôi, 16 trong số 20 phòng có người dương tính với Covid.
"Cô ơi, cô có quen ai hỏi giùm em có cách nào để liên lạc với mẹ em không? Mẹ bị trở nặng, chuyển đi mấy ngày nay nhưng điện thoại không gọi được nữa", em thút thít khóc khi gọi cho tôi vài hôm trước.
Em cũng là F0, đang cách ly tại bệnh viện dã chiến. "Có lẽ điện thoại mẹ chỉ hết pin thôi", tôi động viên dù trong lòng xót xa. Người mẹ đơn thân làm công nhân từ sáng sớm đến tối tối muộn nuôi Duyên ăn học. Hai mẹ con em từ Sóc Trăng lên mưu sinh, ở trong xóm trọ chật hẹp, mỗi căn phòng khoảng 16 m2 với giá thuê 1,2 triệu đồng một tháng. Các phòng liền nhau, lối đi nhỏ ở giữa và cửa quay mặt vào nhau nên cả khu bị lây nhiễm.
Vừa đăng bài trên mạng xã hội, vừa gọi điện thoại đến tổng đài xin trợ giúp. Cuối cùng, nhờ cộng đồng mà em có được số điện thoại của một bác sĩ làm ở bệnh viện mẹ đang điều trị. Duyên gọi được cho bác sĩ nhờ tìm tên xem mẹ ở phòng nào. Mẹ em phải nằm hồi sức tích cực nên khá yếu, và điện thoại cũng hết pin thật.
Là vùng sản xuất công nghiệp, phần lớn học sinh ở đây là con lao động trong các nhà máy. Chuỗi lây nhiễm từ các khu nhà trọ chiếm số lượng đông đảo. Học trò của chúng tôi, hàng trăm em đang là F0.
Có những em tuy không bị nhiễm, nhưng tôi biết sẽ không có máy tính để học online, vì bình thường, tiền học phí, đồng phục, sách vở với gia đình em còn khó. Đa số công nhân đang mất việc. Có em, cha mẹ đi cách ly, hai anh em ở nhà tự trông nhau. Người bạn mới mất chồng đến hôm nay còn chưa nộp hồ sơ cho bé lớn vào lớp 1, một phần vì giãn cách, phần vì cô cũng không còn tâm trí nghĩ đến chuyện khai trường. Hai mẹ con Duyên đang vật lộn với Covid ở hai bệnh viện.
Năm học mới ở vùng đỏ khó khăn gấp bội vùng vàng, vùng xanh. Tôi chưa biết sẽ có bao nhiêu học sinh không thể tập trung đầu óc học hành vì vừa trải qua nỗi đau mất người thân hoặc vẫn đang điều trị hay cách ly. Chưa kể, còn rất nhiều em do cha mẹ đang thực hiện "ba tại chỗ" trong nhà máy, không thể nào chăm sóc, kèm cặp con.
Trong bối cảnh giãn cách chưa biết đến khi nào, hầu hết học sinh vùng đỏ chưa có đủ tập vở và sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Nghe tin con phải học online, một phụ huynh nhắn cho tôi: "Cô giáo ơi chị phải làm sao, cả nhà thất nghiệp hai tháng nay đã kiệt quệ lắm rồi, cái ăn hằng ngày phải trông chờ địa phương và bên từ thiện. Bé V. nó siêng lắm nhưng giờ chị không thể nào mua nổi cái điện thoại thông minh cho nó học".
Tôi không dám nói với phụ huynh, rằng chúng tôi cũng đang rất rối. Năm học này, lớp 6 và lớp 2 sẽ học sách giáo khoa mới. Và ở những nơi đang giãn cách, chắc chắn không thể mua sách kịp thời. Các sở giáo dục đã xây dựng phương án cung cấp sách giáo khoa điện tử. Nhưng với học sinh tiểu học và lớp 6, việc học bằng "sách online" rất khó khăn.
Chưa kể, hầu hết giáo viên cũng đang tham gia chống dịch. Chúng tôi hằng ngày vẫn tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid trong cộng đồng, nhập dữ liệu. Áp lực về việc khó bảo đảm được chương trình, thiếu điều kiện vật chất và tâm lý để học online là có thật với thầy cô và học sinh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả năm học.
Chính phủ đã khẳng định, sức khỏe và tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Không chỉ một mà nhiều tỉnh, thành đều đang chiến đấu với dịch. Chúng ta có nhất thiết phải khai giảng và học online ở các vùng đỏ đúng ngày 5.9 trong thời điểm dịch bệnh còn căng thẳng, gánh nặng trên vai phụ huynh và học sinh còn quá lớn không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ủy quyền thời điểm bắt đầu năm học mới cho các địa phương tự quyết. Điều này nảy sinh tâm lý, địa phương này sợ không theo kịp địa phương kia, và sẽ có địa phương không dám lùi thời điểm khai giảng. Trong bối cảnh năm học này, nếu Chính phủ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lùi năm học mới thêm một, hai tháng đồng bộ trên cả nước, tôi tin đa số địa phương đều ủng hộ.
Tôi không muốn mở zoom lên, nhưng lớp học vắng quá nhiều. Bởi các em còn ở nơi cách ly, còn đang chiến đấu với bệnh tật, còn chưa vượt qua được những mất mát hay đang bận vật lộn với bữa ăn hằng ngày và không có máy móc để online.
Chậm lại một chút để dìu nhau qua khó khăn có phải là điều nên làm?
PHẠM MINH PHƯƠNG HẰNG