Nhiều năm trở lại đây, cứ đến sát Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì thông tin “giáo viên vận động hoặc có dấu hiệu ép học sinh có học lực yếu, kém và phụ huynh không cho con thi vào công lập” lại nóng trên các diễn đàn, khiến dư luận bức xúc.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tượng này thường diễn ra ở các thành phố lớn, nơi dân số đông, số lượng học sinh tăng nhanh. Đây là vấn đề không mới, song việc tái diễn tình trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải vào cuộc và có biện pháp ngăn chặn.
Mới đây, một số phụ huynh Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (TP Hồ Chí Minh) phản ánh về việc giáo viên phát đơn “xin không thi tuyển vào lớp 10” cho học sinh điền tên, đem về cho phụ huynh. Nội dung đơn ghi rõ: “Căn cứ vào kết quả học tập năm học vừa qua và năng lực nhận thức của cháu không tốt, gia đình nhận thấy khả năng của cháu khó có thể theo học chương trình THPT hệ công lập. Nay gia đình làm đơn này xin ban giám hiệu nhà trường cho phép cháu không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khóa ngày 6/6/2024”.
Qua rà soát, xác minh, UBND huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) nhận định, Trường THCS Nguyễn Văn Bứa phát mẫu đơn này là không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, địa phương, gây hoang mang dư luận, nhất là trong thời điểm học sinh đang đăng ký nguyện vọng để chuẩn bị bước vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn đã tổ chức họp chấn chỉnh, kiểm điểm lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cùng cá nhân liên quan.
Tại Nghệ An, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và THCS Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) cũng phản ánh việc nhà trường bắt một số học sinh ở nhà, không được đến lớp ôn thi vào lớp 10. Mặc dù lãnh đạo 2 trường trên đều phủ nhận thông tin nhưng khi vụ việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An khẳng định, mọi học sinh tốt nghiệp THCS đều có quyền tham dự Kỳ thi vào lớp 10, các trường tuyệt đối không được ngăn cấm và phải xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tại Hà Nội, vài ngày gần đây, thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh về việc Trường THCS Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) không được đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Theo phản ánh, tại trường này, một số học sinh không được nhà trường phát “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025”. Phụ huynh học sinh chỉ biết sự việc vào đầu tháng 5/2024, khi hạn nộp đơn dự tuyển đã kết thúc. Trước đó, phụ huynh chỉ được giáo viên thông báo là học lực của con kém nên định hướng cho con học nghề.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Phòng đã khẩn trương xác minh và báo cáo UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Phòng cũng đã chỉ đạo nhà trường rà soát hồ sơ từng học sinh, nếu đủ điều kiện theo quy định, học sinh và gia đình có nguyện vọng đăng ký dự thi thì báo cáo cơ quan quản lý, hỗ trợ tối đa để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Thời điểm này, các học sinh đã được hướng dẫn và hoàn thành việc đăng ký dự thi theo nguyện vọng, trừ một số học sinh không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Tình trạng vận động hoặc có dấu hiệu ép học sinh ký đơn không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều phụ huynh cho rằng, có thể nhà trường lo lắng, sợ học sinh không trúng tuyển trường công lập sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp, trường nên giáo viên, nhà trường đã vận động những học sinh có học lực chưa tốt không đăng ký dự thi. Cũng có phụ huynh nêu ý kiến, sẽ khó chấm dứt tình trạng này nếu tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 công lập vẫn được liệt kê trong các tiêu chí thi đua của nhà trường để đánh giá, xếp hạng hàng năm.
Ở một góc độ khác, một số phụ huynh lại cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, việc phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh học sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, công tác này cần được nhà trường và giáo viên triển khai sớm hơn để gia đình nắm bắt được tình hình thực tế của con, từ đó có lựa chọn đúng và sớm, tránh áp lực cho học sinh trong thời điểm “nước rút”.
Đặc biệt hơn, nhiều phụ huynh nêu quan điểm, nhà trường và giáo viên hãy động viên và tư vấn cho các em thi theo nguyện vọng, nếu trượt thì đó là trải nghiệm thực tế chính xác nhất cho mỗi học sinh. Hơn nữa, việc được tham gia thi lớp 10 công lập là quyền lợi bình đẳng của học sinh. Sau khi có kết quả, nếu không đỗ vào lớp 10 công lập thì các em học nghề, trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên cũng chưa muộn.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đưa kết quả thi tuyển vào lớp 10 trường công lập vào tiêu chí thi đua. Chủ trương của thành phố là bảo đảm quyền lợi học tập và dự thi của mọi học sinh theo nguyện vọng. Việc đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của học sinh, không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Sở nghiêm cấm các hành vi vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát, nắm bắt thông tin và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.