Bác bỏ luận điệu yêu cầu đa đảng ở Việt Nam

15/09/2022 09:20

Mỗi cán bộ, đảng viên cần giữ vững lập trường quan điểm để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân và công cuộc đổi mới đất nước.


Sáng 19.8.1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một trong những thủ đoạn thâm độc của chúng là bôi nhọ, nói xấu Đảng để nhằm lật đổ. Chúng cho rằng, Việt Nam thực hiện chế độ độc đảng nên mất dân chủ, thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư của công dân và xuyên tạc rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội tức là theo chế độ đảng trị, “đảng chủ” hay “một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến độc tài, độc trị, dân chủ hình thức hoặc mất dân chủ…".

Đây thực chất là luận điệu xuyên tạc thâm độc của kẻ thù nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần giữ vững lập trường quan điểm để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân và công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, cần có lập luận sắc bén để vạch rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Việt Nam không phải là chế độ đảng trị mất dân chủ. Như chúng ta biết, trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sau khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, đã có hơn 300 cuộc khởi nghĩa của nhân dân anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp, song đều thất bại. Sau khi Đảng ta ra đời (ngày 3.2.1930) đã lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng tự giải phóng cho mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta trở thành nước độc lập. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền.

Từ đó đến nay, Đảng đã lãnh đạo đất nước, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: đánh bại cuộc xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước cuộc xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Kết quả này là minh chứng, khẳng định đanh thép xác định rõ vị trí, vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng ta; là niềm tin, niềm tự hào, quyết tâm của toàn dân tộc thừa nhận ủng hộ, đi theo và bảo vệ Đảng; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.


Mỗi cán bộ, đảng viên cần giữ vững lập trường quan điểm để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân và công cuộc đổi mới đất nước. Ảnh minh họa

Vấn đề một đảng hay đa đảng là do điều kiện lịch sử của mỗi nước quyết định. Như chúng ta biết, đảng cầm quyền là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị, là hệ quả hoạt động tất yếu của các lực lượng chính trị ở các quốc gia và là hiện tượng phổ biến trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trên thế giới có kiểu đảng cầm quyền trong một hệ thống chính trị đa đảng, có kiểu đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị có một đảng duy nhất. Việc lựa chọn này là do điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia. Đối với các nước tư bản, hệ thống chính trị và các chính đảng trong nhiều thập kỷ qua chịu ảnh hưởng của nhiều tư tưởng, lý thuyết chính trị khác nhau như: thuyết đa nguyên, thuyết tinh hoa, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực, tư tưởng xã hội dân chủ… đồng thời còn bị chi phối từ bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa và những đặc tính dân tộc.

Thực tế đối với các nước tư bản đa đảng nhưng không thực hiện đa nguyên về chính trị thì các đảng chính trị thay nhau lên cầm quyền. Ví dụ ở nước Mỹ, là quốc gia đa đảng, nhưng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau lên cầm quyền. Đây là hai đảng của giai cấp tư sản. Ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng như vậy, phần lớn trong thế kỷ XX do Đảng Dân chủ Thiên chúa và Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền. Ở Úc hai Đảng Lao động và Liên Đảng Quốc gia – Tự do thay nhau cầm quyền... Trên thế giới, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam thì Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Cu Ba, Đảng Lao động Triều Tiên, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng là đảng duy nhất cầm quyền… Như vậy, đa đảng hay một đảng cầm quyền là do điều kiện lịch sử của mỗi dân tộc, đất nước  quyết định.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, để vươn lên vị thế cầm quyền là do điều kiện lịch sử dân tộc, do đặc điểm điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội của đất nước. Việt Nam là nước phong kiến độc lập bị thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh chống lại thực dân Pháp trên khắp đất nước, song đều bị thất bại. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng và đã giành chính quyền về tay nhân dân bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đảng ta đã được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và trở thành Đảng duy nhất cầm quyền. Đây là sự lựa chọn của lịch sử, sự khẳng định sức mạnh nội lực của Đảng chứ không phải ý chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, đây là kết quả của quá trình “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử, sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta phải trải qua giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn, thử thách, phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, âm mưu diệt Cộng của quân Tưởng; tiến hành 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc đổi mới đầy khó khăn.

Trong quá trình lãnh đạo, có giai đoạn, cùng với Đảng ta đã từng tồn tại các Đảng như: Đảng Dân chủ Việt Nam (năm 1944), Đảng Xã hội Việt Nam (năm 1946) nhưng từ khi ra đời và trong suốt quá trình hoạt động, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội luôn thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng hành cùng dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1988, hai đảng này tuyên bố tự giải tán. Vì vậy, trong Hiến pháp đã ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. 

Có thể khẳng định, việc lựa chọn một đảng duy nhất cầm quyền hay đa đảng là do điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế, chính trị của mỗi nước và do nội lực của các đảng cầm quyền đó chứ không phải ý chủ quan của chính đảng đó. Nghiên cứu, tổng kết trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, với điều kiện lịch sử đó, bối cảnh ra đời của Đảng, quá trình lãnh đạo với bản lĩnh, trí tuệ, sự gương mẫu đi đầu của những người cán bộ, đảng viên và những thành tựu đã đạt được cho thấy, không có một lực lượng nào có thể thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận điệu xuyên tạc phải đa đảng, đa nguyên thực chất là âm mưu thâm độc, sự cố tình bôi nhọ, chống phá Đảng, muốn hạ bệ Đảng ta của các thế lực thù địch.

Bên cạnh luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng chế độ ở Việt Nam là chế độ đảng trị thì chúng còn lập luận cho rằng: phải đa đảng, đa nguyên mới dân chủ; một đảng duy nhất cầm quyền như ở Việt Nam hiện nay là không có dân chủ. Đây là luận điệu vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống đối Đảng ta, kích động nhân dân đứng lên chống Đảng, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tế từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng dân chủ. Tập trung dân chủ trở thành nguyên tắc sống còn của Đảng ta. Ngay từ khi mới ra đời, mô hình về một xã hội dân chủ với cấu trúc cơ bản trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã được Bác Hồ nêu lên trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Cương lĩnh xác định ba nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam, bao gồm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh tuyên bố “lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” ở Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1946 đã quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã được xác định địa vị chính trị - pháp lý trong xã hội: Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Trong giai đoạn tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1951, Đảng ta khẳng định: “Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”. Bước sang giai đoạn đổi mới đất nước, Đại hội VI của Đảng (12.1986), Đảng ta coi: “Làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống” và xác định cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Các kỳ Đại hội tiếp theo, Đảng ta đều khẳng định: Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới... Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân...”. 

Cương lĩnh năm 2011 với 8 đặc trưng về chủ nghĩa xã hội đã nhấn mạnh về quyền làm chủ, xây dựng một xã hội dân chủ ở nước ta. Chủ trương, đường lối của Đảng và ngay cả dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cũng được lấy ý kiến tham gia đóng góp rộng rãi của nhân dân; chính sách, pháp luật mới được ban hành đều được đúc rút lắng nghe, tổng hợp ý kiến của người dân. Người dân được tham gia giám sát, phản biện những chủ trương, chính sách đó. Trong Đảng thì thực hành dân chủ rộng rãi, thể hiện trong sinh hoạt Đảng, trong công tác lãnh đạo, công tác cán bộ, tự phê bình và phê bình, nêu gương… Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ” và trong Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. Kế thừa tư tưởng của Người, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi mở rộng dân chủ trong Đảng vừa là giải pháp nâng cao sức mạnh của Đảng, đồng thời cũng là nội dung đổi mới về chính trị của Đảng ta.

Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng ở nước ta thực hiện chế độ đảng trị là đồng nghĩa với mất dân chủ. Từ đó chúng kêu gọi, cổ súy cho những tư tưởng thù địch kích động đứng lên chống Đảng, Nhà nước ta. Đây là thủ đoạn sảo quyệt, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Vì vậy, chúng ta cần vạch trần, lên án mạnh mẽ những âm mưu này. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân cần đoàn kết đồng lòng quyết tâm theo Đảng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.

LÊ VĂN BẰNG

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác bỏ luận điệu yêu cầu đa đảng ở Việt Nam