Tòa tối cao Hong Kong: Lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ là "vi hiến"

18/11/2019 16:38

Trong phán quyết dài 106 trang, Tòa tối cao Hong Kong nhấn mạnh rằng lệnh cấm đeo mặt nạ của chính quyền Hong Kong là đi ngược lại Luật Cơ bản - bộ luật như hiến pháp thu nhỏ của Hong Kong.

Người biểu tình đeo mặt nạ phòng độc án ngữ tại cầu vượt dẫn vào Đại học Bách khoa Hong Kong. Ảnh: REUTERS

Luật Tình trạng khẩn cấp và lệnh cấm che mặt ở nơi công cộng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5.10 đã gây ra làn sóng giận dữ của người biểu tình Hong Kong. Theo đó, bất kỳ ai che mặt đến mức khó nhận dạng danh tính có thể ngồi tù tới 1 năm và bị phạt 25.000 đô la Hong Kong.

Phán quyết chiều 18.11 của Tòa tối cao Hong Kong khẳng định việc áp dụng Luật Tình trạng khẩn cấp và các lệnh cấm đi kèm của nó "không phù hợp với Luật Cơ bản Hong Kong", theo Hãng tin Reuters.

Các thẩm phán Anderson Chow Ka Ming và Godfrey Lam Wan Ho cho rằng những điều luật này đã trao cho trưởng đặc khu Carrie Lam quá nhiều quyền lực, đến mức bà có thể tự đưa ra quyết định trong bất kỳ trường hợp nguy hiểm nào.

Tòa tối cao Hong Kong cũng chỉ ra việc cảnh sát có quyền yêu cầu người khác cởi bỏ mặt nạ tại nơi công cộng là vượt quá thẩm quyền. Theo lệnh cấm, những người không chấp hành yêu cầu cởi bỏ mặt nạ của cảnh sát có thể bị phạt 6 tháng tù và 10.000 đô la Hong Kong.

Phán quyết của tòa được đưa ra ngay trước phiên xét xử hai người Hong Kong đầu tiên vi phạm lệnh cấm đeo mặt nạ nơi công cộng, một trong số này là cựu nghị sĩ Leung Kwok Hung. Ông Leung cáo buộc bà Carrie Lam đã lạm dụng quyền lực và quyết leo thang cuộc biểu tình bằng việc ra lệnh cấm đeo mặt nạ.

Hơn 300 người đã bị bắt vì vi phạm lệnh cấm đeo mặt nạ nhưng số người ra tòa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người biểu tình không còn đeo khẩu trang mà chuyển sang sử dụng mặt nạ phòng độc để chống lại hơi cay của cảnh sát trong 2 tháng trở lại đây.

Theo thống kê của cảnh sát công bố vào ngày 13.11, hơn 4.000 người đã bị bắt giữ kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào tháng 6, với số sinh viên chiếm 39,3%.

Nhiều tờ báo Hong Kong đã bắt đầu sử dụng các từ ngữ khác để chỉ về người biểu tình khi mức độ bạo lực trong các trận đụng độ với cảnh sát đang ngày một tăng cấp.

Báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 18.11 đã gọi những người đang chiếm giữ Đại học Bách khoa Hong Kong và chống trả cảnh sát là "người biểu tình cực đoan". 

Cảnh sát trước đó đã cảnh báo tất cả những người bước ra khỏi khuôn viên trường này sẽ bị bắt giữ nếu không chứng minh họ là phóng viên, nhân viên y tế đang tác nghiệp.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tòa tối cao Hong Kong: Lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ là "vi hiến"