Tính toán thiết thực về giảm giờ làm

17/09/2019 07:46

Tăng lương, giảm giờ làm là việc mà bất cứ xã hội tiến bộ nào cũng mong muốn hướng đến.

Nếu điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của chúng ta cho phép thực hiện việc giảm giờ làm thì đó cũng là việc cần thiết và mang nhiều ý nghĩa tích cực, phù hợp với xu thế chung.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giảm giờ làm không hẳn sẽ khiến năng suất lao động giảm sút, ngược lại sẽ giúp giảm áp lực quá tải trong công việc, tăng khả năng tái tạo sức lao động, người lao động hứng khởi hơn, năng suất lao động tăng cao hơn. 

Nhưng nếu đứng ở góc độ doanh nghiệp, việc giảm giờ làm trước mắt có thể tạo ra những khó khăn nhất định. Thậm chí, một số chuyên gia còn đang đề xuất Nhà nước cần nới rộng khung giờ làm thêm như một cách đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn trong bối cảnh sản xuất trong nước đang chịu những tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại.

Xét về mặt nguyên tắc, việc xây dựng một hành lang pháp lý, bảo đảm quyền lợi cho người lao động làm việc theo đúng số giờ quy định là rất cần thiết và là việc phải làm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế tình trạng lao động trong nước thì ngoài việc xây dựng lộ trình giảm giờ làm, các ngành chức năng còn phải xây dựng những quy định, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn để bảo vệ quyền lợi cũng như đời sống cho người lao động.

Mặc dù báo cáo của các ngành chức năng cho rằng mức lương tối thiểu hiện nay có thể bảo đảm 95% mức sống tối thiểu của người lao động, nhưng thực tế cho thấy trong khoảng 16 triệu lao động ở các loại hình doanh nghiệp trong cả nước, chỉ có khoảng 50% có thu nhập tạm đủ để trang trải cuộc sống, hơn 20% trong số đó phải chi tiêu tằn tiện, số còn lại không đủ sống. 

Công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở gia công hàng may mặc, giày da… phải tăng ca liên tục để có thêm thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống với những nhu cầu tối thiểu hằng ngày. Điều này cho thấy tăng hoặc giảm vài giờ làm việc chưa phải là vấn đề bức thiết của người lao động. Vấn đề chính vẫn là việc bảo đảm thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Việc xây dựng quy định giảm thời gian làm việc, thời gian làm thêm giờ đối với người lao động nói chung, nếu được áp dụng một cách cứng nhắc, có thể sẽ tạo ra những khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả với người lao động. 

Điều này đòi hỏi bên cạnh những “quy định cứng” về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ, các ngành chức năng cần có những quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trên cơ sở xem xét tính đặc thù của từng ngành nghề lao động cụ thể cũng như chấp nhận thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận về quyền lợi và bảo đảm yếu tố sức khỏe.

Cùng với việc đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy khoảng 80% số người tham gia khảo sát đồng ý với quan điểm giảm giờ làm. Trong điều kiện lý tưởng, việc giảm giờ làm không kéo theo giảm thu nhập của người lao động và không tạo gánh nặng lên đơn vị sử dụng lao động thì đây rõ ràng là việc làm được sự đồng thuận cao của người lao động và là việc nên làm.

Nhưng với tinh thần “liệu cơm gắp mắm” của người Việt, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như đời sống của người lao động, việc giảm giờ làm nhất thiết phải được tiến hành song song với những tính toán cụ thể nhằm bảo đảm thu nhập của người lao động cũng như giữ vững sự phát triển ổn định của doanh nghiệp và nền kinh tế cả nước.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tính toán thiết thực về giảm giờ làm