Đời sống

Tăng lương - mong ước lớn nhất của người Hàn Quốc

T.H (theo VnExpress) 02/01/2024 20:20

Kết quả khảo sát công bố ngày 1/1 của công ty thăm dò ý kiến Embrain Public ghi nhận 77,7% người lao động Hàn Quốc mong được tăng lương trong năm 2024.

Bên cạnh đó, khoảng 25,8% muốn công việc bớt căng thẳng hơn hoặc giờ làm việc ngắn hơn; 24% mong muốn ổn định công việc hoặc chuyển sang vị trí cố định, còn 18,4% ước được nghỉ phép thoải mái hơn.

Trong khi tăng lương là ước mong lớn nhất của mọi nhóm tuổi, điều ước thứ hai lại có sự khác biệt. Những người trong độ tuổi 20 nói họ muốn chuyển sang công ty tốt hơn, còn người trong độ tuổi 30 và 40 lại lựa chọn được làm việc ít hơn, người từ 50 tuổi yêu thích ổn định.

Khoảng 70,6% người được hỏi chia sẻ họ kỳ vọng cuộc sống công sở trở nên tốt hơn trong năm nay, còn 29,4% tin rằng nó sẽ tồi tệ hơn. Liên quan đến vấn nạn bắt nạt nơi làm việc, 52% nhân viên nữ và 51,5% lao động không thường xuyên đều có quan điểm bi quan khi cho rằng điều này sẽ tiếp diễn. Ngược lại, 61,6% nam giới và 60,5% người lao động thường xuyên tỏ ra tích cực hơn.

Người dân Hàn Quốc đứng chờ bình minh trong ngày đầu tiên của năm 2024 trên đỉnh núi Bukhan, Seoul. Ảnh: Yonhap

Người dân Hàn Quốc đứng chờ bình minh trong ngày đầu tiên của năm 2024 trên đỉnh núi Bukhan, Seoul

Viện Lao động Hàn Quốc đã công bố kết quả nghiên cứu tương tự trên tạp chí hàng quý của mình. Theo đó, giờ làm việc kéo dài có xu hướng làm giảm mức độ hạnh phúc, thỏa mãn trong cuộc sống và công việc đối với người lao động trẻ.

Nghiên cứu chia người lao động dưới 35 tuổi thành bốn nhóm, dựa theo giờ làm việc: dưới 15 tiếng, từ 15 đến 40 tiếng, từ 41 đến 52 tiếng và trên 52 tiếng mỗi tuần. Sau đó, họ phân tích cách thời gian làm việc ảnh hưởng đến mức độ thỏa mãn của người trẻ.

Kết quả là, người thuộc nhóm hai cho thấy mức độ thỏa mãn cao nhất (59,4%), tiếp đến là nhóm một (52,3%), nhóm ba (50,4%) và cuối cùng là nhóm bốn (45,4%). Con số ám chỉ thời gian làm việc càng nhiều, tỷ lệ thỏa mãn càng thấp.

Theo nhà nghiên cứu Park Joo Sang của Trung tâm nghiên cứu Lao động và Nguồn nhân lực thuộc Đại học Pukyong, tác giả nghiên cứu, số giờ làm việc kéo dài được chứng minh tác động tiêu cực đến mức độ hạnh phúc của người lao động.

Ông cho rằng các chính sách tuyển dụng giới trẻ liên quan đến thời gian làm việc cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế để cải thiện điều đó.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương - mong ước lớn nhất của người Hàn Quốc