Thuốc giả, bệnh thật

25/12/2017 11:24

Quy định người ngồi trên môtô, xe gắn máy tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) đã đi vào cuộc sống được 10 năm.

Còn nhớ, ngày 15.12.2007, ngày đầu tiên quy định này có hiệu lực, nhiều người đã cảm thấy ngỡ ngàng khi chỉ sau một đêm, lượng người đội MBH trên đường tăng đột biến, tưởng chừng quy định này đã ngay lập tức trở thành nền nếp của người dân khi tham gia giao thông. Nhưng 10 năm sau, một khoảng thời gian đủ dài cho các công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục cũng như kiểm soát, xử phạt phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều điều đáng lo trong việc thực hiện quy định này.

Trong 10 năm qua, việc đội MBH đã trở thành thói quen không thể thiếu của một bộ phận người dân. Nhưng bên cạnh đó, tâm lý đội MBH chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông vẫn còn phổ biến. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH ở khu vực nông thôn, những nơi không có cảnh sát giao thông đứng chốt hoặc vào những dịp lễ Tết. Trong 10 năm 2007-2017, lực lượng công an trong cả nước đã kiểm tra, xử lý tới 7 triệu lượt người không chấp hành đội MBH, một con số rất đáng giật mình.

Cũng xuất phát từ tâm lý đối phó chứ chưa thực sự quan tâm đến tác dụng của việc đội MBH, nhiều người không đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông dù đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu có tai nạn xảy ra. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tỷ lệ đội MBH cho trẻ em hiện mới chỉ đạt 35-40%. Bộ Y tế cảnh báo, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em chết vì tai nạn giao thông, trong đó gần 50% bị chấn thương sọ não do không đội MBH. Sự chủ quan, thờ ơ của người lớn đối với một quy định hết sức thiết thân đã gây ra hậu quả đau xót cho thế hệ tương lai.

Số lượng người đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy đã tăng lên nhưng chất lượng của việc thực hiện quy định vẫn còn kém khi nhiều người chưa quan tâm đến MBH có đạt chuẩn hay không. Nhiều người vẫn sử dụng MBH kém chất lượng hoặc sử dụng không đúng cách nên tác dụng của mũ khi xảy ra tai nạn hầu như bằng 0. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỷ lệ người đội MBH ở nước ta đạt cao nhưng tỷ lệ người cài dây mũ và đội mũ đạt chuẩn chỉ khoảng 70%. Và chỉ có 30% MBH trên thị trường đạt chuẩn. Đối với các loại mũ được cho là đạt chuẩn thì theo kiểm định của WHO lại chỉ có 40% đáp ứng tất cả các yêu cầu. Như vậy, số MBH có tác dụng bảo vệ người tham gia giao thông hiệu quả thực sự rất ít ỏi.

Nếu như việc không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông là căn bệnh trầm kha, đã gây ra nhiều tác hại thì việc tìm cách đối phó với quy định bằng những cách như đội MBH kém chất lượng, không cài dây, không đội cho trẻ em... là đang dùng thuốc giả để chữa bệnh thật. Chính vì vậy, hậu quả của căn bệnh vẫn còn nguyên, là số lượng các vụ tai nạn giao thông vẫn lớn. Khi tai nạn xảy ra, người bị thương nặng, tử vong do không được MBH bảo vệ vẫn nhiều. Tình trạng này xuất phát chủ yếu từ ý thức chấp hành quy định của người dân còn kém và cơ quan chức năng chưa kiểm soát được thị trường MBH nên hàng lậu, hàng rởm, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan.

Để trị được căn bệnh này, các cấp, các ngành cần phối hợp tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, tới nhiều đối tượng về quy định đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy một cách thường xuyên, rộng rãi hơn dù đây không còn là vấn đề mới. Việc phân biệt MBH đạt chuẩn tương đối khó khăn nên các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý từ khâu cấp phép, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH. Đồng thời, xây dựng và công bố danh sách các thương hiệu MBH đạt chuẩn để người dân có căn cứ lựa chọn khi mua MBH. Cần xử lý nghiêm những trường hợp cố tình sản xuất, bán MBH kém chất lượng vì đây là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe của con người.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuốc giả, bệnh thật