Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 401.316 trường hợp mắc COVID-19 và 4.709 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 262,2 triệu ca, trong đó trên 5,2 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30.11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 262.230.710 ca, trong đó có 5.222.284 người tử vong.
Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 42.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 236 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 29.11, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 799.400 ca tử vong trong số hơn 49 triệu ca mắc, Mỹ từ ngày 29.11 áp đặt cấm nhập cảnh đối với những người từng đến Nam Phi và 7 quốc gia khác ở miền Nam châu Phi trong 14 ngày qua, ngoại trừ công dân Mỹ và thường trú nhân ở Mỹ.
Tổng thống Joe Biden ngày 29.11 đã tìm cách trấn an người dân Mỹ bằng tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới sẵn sàng đối phó với biến thể mới Omicron của virus SARS-Cov2, đồng thời cam kết đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại vaccine phòng ngừa biến thể này nếu cần thiết.
Phát biểu sau cuộc gặp với nhóm phụ trách dịch COVID-19 của Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định: “Biến thể này là nguồn cơn gây lo lắng, nhưng không phải là nguyên nhân gây hoảng sợ. Trước sau gì thì chúng ta cũng sẽ chứng kiến những ca nhiễm biến thể mới này ở Mỹ”.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng thông báo Nhà Trắng đang phối hợp với các công ty dược phẩm như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson phát triển những kế hoạch khẩn cấp dành cho các loại vaccine hoặc mũi tiêm tăng cường, nếu cần, để đối phó với biến thể Omicron.
Chính phủ Chile ngày 29.11 đã ban bố sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ hoặc đã từng có mặt trong những ngày gần đây ở Nam Phi và 6 nước châu Phi khác nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron mới được phát hiện của virus SARS-CoV-2 lây lan vào quốc gia Nam Mỹ này.
Thông báo của Bộ Y tế Chile nêu rõ kể từ ngày 1.12, quốc gia Nam Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài từng có mặt trong vòng 14 ngày gần đây tại 7 nước châu Phi gồm Nam Phi, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Lesotho, Eswatini và Mozambique. Biện pháp vừa được công bố sẽ không ảnh hưởng đến các công dân Chile và những người nước ngoài cư trú tại Chile, song những đối tượng này sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày nếu đã từng tới 7 quốc gia vừa đề cập.
Ngoài ra, Chính phủ Chile cũng thông báo kể từ ngày 1.12 sẽ mở lại 3 cửa khẩu biên giới trên bộ đã bị đóng cửa do đại dịch COVID-19 gồm cửa khẩu Chacalluta ở phía Bắc giáp với Peru, cửa khẩu đèo Colchane giáp với Bolivia và cửa khẩu đèo Pino Hachado ở phía Nam nối với Argentina.
Tại Nam Phi, hơn 2.800 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong ngày 28.11, tăng mạnh so với mức trung bình 500 ca/ngày trong tuần trước và 275 ca/ngày trong tuần trước nữa. Tiến sĩ Salim Abdool Karim - chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Nam Phi, cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể tăng gấp 3 lần trong tuần này do sự lây lan của biến thể Omicron. Hiện Nam Phi có 2,96 triệu ca mắc COVID-19 và 89.700 ca tử vong.
Sau khi xuất hiện tại một loạt nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Đại Dương và châu Âu, biến thể Omicron tiếp tục lan đến Bồ Đào Nha với 13 ca nhiễm, tất cả đều liên quan đến các cầu thủ và thành viên câu lạc bộ bóng đá Belenenses ở thủ đô Lisbon. Tuần trước, một cầu thủ của câu lạc bộ này đã trở về từ Nam Phi. Điều đáng lo ngại là ngày 27.11 vừa qua, câu lạc bộ Belenenses đã gặp câu lạc bộ Benfica trong khuôn khổ giải Primeira Liga.
Ireland ngày 29.11 thông báo nước này đang xét nghiệm hơn 10 ca nghi nhiễm Omicron đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đến 7 nước khu vực Nam châu Phi có nguy cơ cao. Trong khi đó, Thụy Sĩ cũng thông báo phát hiện một ca nghi nhiễm Omicron liên quan tới một người trở về từ Nam Phi khoảng một tuần trước.
Mối đe dọa từ biến thể Omicron tiếp tục khiến nhiều nước phải siết chặt kiểm soát người nhập cảnh. Tại Đông Nam Á, Thái Lan yêu cầu những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm nhập cảnh vẫn phải cách ly trong 14 ngày và xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. Philippines cũng tạm đình chỉ quyết định cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh nước này, còn Indonesia ngừng nhập cảnh đối với những người từng đến 10 quốc gia châu Phi và Hong Kong (Trung Quốc) trong hai tuần qua.
Trong khi đó, Nhật Bản tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài bắt đầu từ ngày 30/11. Ngoài ra, công dân Nhật Bản và người nước ngoài thường trú tại nước này sau khi trở về từ 9 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe cùng 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác sẽ buộc phải cách ly 10 ngày tại cơ sở cách ly cho chính phủ chỉ định.
Còn tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã quyết định hoãn chuyển sang giai đoạn 2 trong lộ trình nới lỏng hạn chế. Cũng do lo ngại về biến thể Omicron, ngày 29.11, Australia tuyên bố dừng kế hoạch từ ngày 1.12 mở cửa lại biên giới đối với lao động kỹ năng và sinh viên sau khi nước này ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này.
Tại châu Phi và Trung Đông, các biện pháp ngăn chặn biến thể Omicron đang được đẩy mạnh. Cụ thể, nhà chức trách Maroc đã thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách trực tiếp đến Vương quốc Anh trong hai tuần kể từ ngày 29.11.
Bên cạnh đó, Maroc cũng quyết định hoãn Hội nghị đối tác châu Âu-Địa Trung Hải từ ngày 1-2.12, nơi có sự tham gia của các quan chức thuộc Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu (ESC) và Hội đồng Kinh tế-Xã hội và Môi trường (EESC) của Maroc.
Cùng ngày, Jordan công bố lệnh cấm hành khách đến từ Nam Phi, Lesotho, Zimbabwe, Mozambique, Namibia, Eswatini và Botswana nhập cảnh nước này. Công dân Jordan và người thân đến từ các quốc gia nói trên chỉ được phép quay trở lại Jordan qua Sân bay quốc tế Queen Alia và sau khi thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như xét nghiệm PCR, ký cam kết cách ly và trả trước chi phí cách ly 14 ngày. Rwanda cũng đưa ra quyết định tạm ngừng các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ khu vực miền Nam châu Phi do lo ngại biến thể Omicron.
Điểm sáng trong bức tranh đại dịch COVID-19 ngày 29.11 là việc các quốc gia thành viên WHO đạt được đồng thuận trong việc khởi động tiến trình đàm phán nhằm đi đến một "hiệp ước đại dịch", trong đó đề ra cách thức xử lý trong trường hợp xảy ra khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo đó, các quốc gia đã nhất trí thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) chịu trách nhiệm soạn thảo và đàm phán về một "hiệp ước" của WHO hay một dạng quy ước khác về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 29/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 21.282 ca mắc COVID-19 và 428 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện vượt 14.028.000 ca, trong đó trên 291.300 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi, ngày 29/11, thêm nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 29/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 141 trường hợp, cao thứ hai khu vực sau Việt Nam.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 370 ca dương tính và 9 ca tử vong, tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Về số ca mắc mới, Việt Nam ngày 29.11 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 13.700 ca.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 29.11 ghi nhận thêm trên 4.500 ca bệnh mới và 27 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 25 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Theo Báo Tin tức