Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, các thế lực thù địch vẫn ra sức phủ nhận thành quả PCTN, TC của Đảng và nhân dân ta. RFA đã viết rằng “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế”. Với nhiều nội dung lật lọng, đả kích: “Việt Nam từ nhiều năm qua, ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”, RFA “hiến kế”: Muốn chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả thì Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn cơ chế hiện tại; tham nhũng ở Việt Nam là do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo và việc PCTN, TC thực chất chỉ là một cuộc đấu đá, thanh trừng giữa các phe nhóm; là khóa sau “diệt” khóa trước... Đó là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt một cách trắng trợn.
Cùng với RFA, một số tờ báo "lá cải", mạng nước ngoài có một số bài viết đặt điều cho rằng, sở dĩ Việt Nam chống tham nhũng chưa đạt kết quả là bởi ngại thay đổi thể chế chính trị, phe nhóm “nể mặt” nhau. Từ đó, các nhà “cách tân” thi nhau hiến kế với tư cách là “những nhà yêu nước, thương dân”...
Tranh minh họa
Các bài viết trên phủ nhận kết quả đấu tranh PCTN, TC của Đảng, Nhà nước ta. Chúng chắp vá một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, rồi cắt ghép, suy diễn, quy chụp hiện tượng thành bản chất, từ sự vụ đơn lẻ nâng lên thành lỗi hệ thống. Những lập luận, suy diễn vô căn cứ trên có mưu đồ gây nhiễu loạn dư luận xã hội, nhất là với những người nhẹ dạ cả tin, gây bất lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không những thế, nó còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Thông qua đó, các đối tượng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội; mà trực tiếp, trước hết là sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc PCTN, TC.
Chúng ta đều biết, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, không phải do chế độ đa đảng hay một đảng, mà ở bất cứ nơi nào khi nào quyền lực chính trị bị tha hóa, lạm dụng, khi mà sự quản lý của nhà nước lỏng lẻo hoặc bị thao túng. Không ít quốc gia theo chế độ đa đảng, tình trạng tham nhũng diễn ra trong hệ thống công quyền đã trở thành mối nguy hại lớn, các nguyên thủ quốc gia đã phải ra hầu tòa, vào tù. Việc một số cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế và là thủ đoạn chính trị thâm độc, xấu xa. Trước hết, chúng hướng đến việc tạo nên sự hoài nghi, hoang mang, dao động trong xã hội, gây lầm tưởng tham nhũng, tiêu cực phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo.
Công tác PCTN, TC được Đảng, Nhà nước tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Kết quả đánh giá tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC (giai đoạn 2012-2022) được Bộ Chính trị tổ chức cho thấy hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng... Đây là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng ta không khoan nhượng với “giặc nội xâm” và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tham nhũng luôn bị đấu tranh loại bỏ đến tận cùng.
Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải nêu cao tinh thần dũng khí đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân, xem đó là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để PCTN, TC như Bác Hồ từng căn dặn.
QUÝ LÊ HOÀNG