Sẵn sàng “4 tại chỗ” trong điều trị Covid-19 tại các bệnh viện

02/09/2021 21:02

Với phương châm "lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ", các cơ sở y tế ở Hải Dương đang chủ động trong điều trị, sẵn sàng ứng phó các cấp độ dịch Covid-19.

Bệnh viện Phổi sử dụng máy ô xy dòng cao (HFNC) cho bệnh nhân thường.

Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ trung bình mỗi ngày có trên 200 lượt người đến khám, cấp cứu và điều trị bệnh thông thường. Phương châm “4 tại chỗ” được đơn vị thực hiện triệt để trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể sẽ kéo dài.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Ly, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tứ Kỳ cho biết: “Tại Trung tâm Y tế huyện, đơn vị chỉ tập trung cho hoạt động khám, cấp cứu các bệnh nhân thông thường. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện bố trí khu tiếp nhận, cách ly và điều trị F0 riêng biệt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện ở xã Đại Sơn. Tại đây đã bố trí 25 giường bệnh (tối đa lên đến 100 giường) và các trang thiết bị như máy thở chức năng cao, máy tạo ô xy, hệ thống bình ô xy, bàn mổ. Trung tâm bố trí các bác sĩ, điều dưỡng khám và cấp cứu ở các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi tiếp nhận các ca F0. Nhân lực chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 được bố trí 3 vòng: vòng 1 là khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân; vòng 2 là nhân lực bác sĩ các chuyên ngành và các bộ phận gây mê; vòng 3 thông qua hội chẩn trực tiếp với các đầu cầu tuyến tỉnh khi xuất hiện những ca bệnh nặng”.

Bệnh viện Phổi được Sở Y tế chọn là bệnh viện thứ hai để chia sẻ khi các ca bệnh Covid-19 tăng cao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Bệnh viện Phổi nhấn mạnh: “Trước mắt bệnh viện tập trung thực hiện tốt hoạt động khám chữa các ca bệnh liên quan đến đường hô hấp và phổi cho nhân dân. Ngoài ra, bệnh viện đã chuẩn bị 50 giường bệnh tại khu hồi sức cấp cứu tích cực. Trong đó 40 giường bệnh nhân có thể có thể thở máy. Trung tâm có hệ thống ô xy trung tâm, hệ thống camera theo dõi, giám sát bệnh nhân, đường truyền trực tuyến hội chẩn ca bệnh nặng. Nguồn nhân lực gồm các bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hô hấp, hồi sức tích cực thực hiện chăm sóc toàn diện khi đón nhận các trường hợp mắc Covid-19. Các y bác sĩ này đều tham gia các lớp đào tạo trực tuyến kinh nghiệm điều trị từ các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương về kỹ thuật thở máy, thở ô xy dòng cao và các biện pháp cấp cứu khác…

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã rà soát, củng cố nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế chuyên dụng theo hướng trở thành bệnh viện hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.

Các bệnh viện Nhi, Phụ sản, Đa khoa tỉnh sẵn sàng phương án điều phối nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế khi trở thành bệnh viện điều trị Covid-19. Bệnh viện Nhi thiết lập khu chăm sóc, điều trị riêng cho các bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng với 50 giường bệnh. Nghiên cứu đề xuất khu vực để xây dựng bệnh viện dã chiến nâng tổng số giường bệnh có thể sắp xếp tại bệnh viện lên 500 giường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí 50 giường bệnh trở lên tại Khoa Truyền nhiễm sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch khi các bệnh viện khác quá tải. Thành lập 2 đoàn cán bộ (mỗi đoàn 15 bác sỹ, 45 điều dưỡng) sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho người mắc Covid-19…

Các cơ sở y tế trong tỉnh sẵn sàng đáp ứng "4 tại chỗ" phù hợp với chiến lược phòng chống dịch Covid-19 lâu dài, gắn liền với nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị người bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. 

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng “4 tại chỗ” trong điều trị Covid-19 tại các bệnh viện