Ấn Độ đã ra mắt liệu pháp tế bào CAR-T bản địa đầu tiên để điều trị bệnh ung thư, khẳng định đây là “bước đột phá lớn” mang lại “hy vọng mới cho nhân loại”.
Phát biểu tại sự kiện công bố liệu pháp NexCAR19 tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Bombay ở thành phố Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra, Tổng thống Droupadi Murmu nhấn mạnh rằng việc phát triển liệu pháp trên là một ví dụ về sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, phản ánh năng lực của các nhà khoa học và bác sĩ Ấn Độ. Bên cạnh đó, Tổng thống còn cho biết liệu pháp này được coi là một trong những tiến bộ phi thường trong khoa học y tế, không chỉ dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng mà còn mang lại hy vọng mới cho toàn thể nhân loại.
Được phát triển bởi IIT Bombay và Trung tâm tưởng niệm Tata, liệu pháp dựa trên gene này được cho là sẽ giúp chữa khỏi các loại ung thư khác nhau đồng thời giúp giảm đáng kể chi phí điều trị.
Ông Sudeep Gupta, Giám đốc Trung tâm Tưởng niệm Tata, cho biết liệu pháp tế bào CAR-T là một phương pháp điều trị cực kỳ tốn kém và nằm ngoài tầm với của đại đa số người dân. Tuy nhiên, NexCAR19 đã được tung ra với mức giá xấp xỉ bằng 1/10 mức giá hiện tại ở bên ngoài Ấn Độ. Giám đốc IIT Bombay, Giáo sư Subhasis Chaudhuri cho biết chi phí điều trị ung thư bằng liệu pháp tương tự ở nước ngoài vào khoảng 480.000 USD.
Theo ông Gupta, việc tạo ra và triển khai NexCAR19 là một cột mốc lịch sử trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư và kỹ thuật di truyền.