"Này! Này! Bọn thanh niên chúng mày mang sách vở sang mà học thằng Đông ngốc kia kìa. Cứ tụ tập ăn nhậu rồi tán phét".
Tiếng bà Hoan oang oang khiến đám thanh niên đang rôm rả tay dao tay thớt làm thịt chuột đồng “đứng hình” quay sang hỏi:
- Đông ngốc nó lại tạo xì căng đan hả bà?
- Căng với đan thì tao không biết! Chỉ biết nó sắp cưới vợ kia kìa. Mà cô kỹ sư học thức nhất cái làng này đấy.
Nói rồi bà thủng thẳng bước đi, mặc cho đám thanh niên ngơ ngác nhìn theo. Chả riêng đám thanh niên, ngay cả các bậc cao tuổi trong làng cũng thán phục cái anh chàng Đông vì mới đây thu hoạch cả trăm triệu đồng ở cánh đồng triều trũng. Giờ nó lại “hạ gục” được em Xuân, sắp rước nàng về dinh thì quả thua thật.
Về anh chàng Đông ngốc có nhiều chuyện hài lắm. Ngày còn đi học, cả xã đố thằng nào chiếm được vị trí đội sổ của nó. Học không vào nên Đông cũng chả buồn học, trong làng cứ nhà nào có công việc là nó đến, mồm miệng nhanh nhảu, tay chân hoạt bát cứ như việc nhà mình. Người ta chọc ghẹo thế nào nó cũng chẳng tự ái, cứ nhoẻn miệng cười, thi thoảng chêm vào mấy câu ngây ngô cho thêm phần sôi nổi.
Chỗ vui thì không sao, chỗ có ma chay nó cũng hồn nhiên như thế nên người ta mới gọi là "Đông ngốc". Được cái Đông sống tình cảm, to khỏe hơn chúng bạn, lại chăm làm nên ông bố tặc lưỡi: "Thôi kệ, học được đến đâu thì học, sau này vác dao đi xây theo bố". Chỉ chờ có thế nó nhảy cẫng lên sung sướng như tù nhân được mãn hạn. Năm đó nó chưa học hết lớp 6.
Đi phụ hồ được hơn năm thì tình cờ ông bạn đồng ngũ của bố đến chơi. Câu chuyện trong mâm cơm Đông biết được bạn của bố làm nghề sửa chữa xe máy, nó thấy thích nên lân la hỏi rồi nằng nặc xin bố cho theo học.
Cách đây 3 năm, trong lần về quê chơi Đông đi vòng quanh làng rồi mò xuống vùng triều trũng bao năm bỏ không cỏ mọc um tùm. Buổi tối khi cơm nước xong, Đông bàn với bố mẹ muốn thầu lại cái đầm và dồn điền đổi thửa về khu vực đó. Ông bố nghe xong thì như đỉa phải vôi: "Mày đúng là hâm thật Đông ạ! Dồn xuống đó để nuôi chuột, nuôi rắn nước à?".
Đông nói: "Chỉ có khu triều trũng ấy người ta mới đồng ý cho chuyển đổi. Nếu thầu được, con sẽ nuôi ốc nhồi, con cà cuống và trồng nấm. Những mặt hàng này có đầu ra rất ổn định, được giá. Ở trên ấy, bạn bố ngoài tiệm sửa chữa xe máy, bác ấy đang làm mô hình này, con cũng phụ giúp và thấy rất hiệu quả.
Chính bác ấy mách con về bàn với bố. Cái Xuân xóm mình cũng về đấy thường xuyên để tìm hiểu làm đề tài gì đó mà". Nhắc đến Xuân, Đông đỏ mặt rồi lảng sang chuyện khác. Bố Đông nghe xong thì gật gù đồng ý vì ông yên tâm khi ông bạn chiến hữu đã làm và chỉ nước.
Xuân ở cùng làng, kém Đông gần chục tuổi, rất tội nghiệp. Người ta vứt cô ở rìa làng khi mới lọt lòng. Mẹ cô đem về nhận làm con nuôi. Được mấy năm thì mẹ nuôi mất, cô ở với bà. Đông quý Xuân vì ngoan. Hôm ấy khi đang hí hoáy cho ốc ăn thì Đông thấy mấy thanh niên cùng ông chủ xuống đầm. Khi ngẩng lên Đông giật mình thấy có Xuân trong đám người đó.
- Anh Đông, em tưởng anh làm sửa chữa xe máy ở đâu cơ mà? - Xuân tò mò hỏi.
- Anh vẫn sửa chữa xe và phụ giúp bác ấy trang trại. Thế em về đây có việc gì à? - Đông trả lời và hỏi lại.
- Em học Trường Đại học Nông nghiệp, về đây thực tế để làm đề tài. May quá có anh ở đây.
Lần gặp này lại là cơ duyên để họ thân thiết với nhau hơn. Xuân không đẹp nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép. Những lần về quê, Đông vẫn thường sang thăm nhà và biết cô đang học đại học. Ngày xưa khi cả hai còn nhỏ, Đông vẫn cùng Xuân rong ruổi khắp cánh đồng chơi. Thời gian trôi đi, Xuân đã là cô sinh viên thanh lịch.
Đông thích nhưng trong suy nghĩ thấy mình không xứng bởi cô học cao thế, còn mình thì chưa hết nổi phổ cập. Nhưng càng trò chuyện càng thấy cô dung dị, hòa đồng, có lẽ vậy mà Xuân được ông chủ quý mến. Cô kể với ông về mơ ước có được mô hình trang trại, cả chuyện làng quê mình bỏ mặc ruộng hoang đi làm công nhân.
Những điều ấy Xuân cũng tâm sự với Đông. Hiểu được ước mơ của Xuân và ánh mắt tình cảm của Đông, người bạn đồng ngũ của bố đã âm thầm vun đắp cho đôi trẻ. Lứa ốc thành công vừa qua chính là sự hội tụ của tình yêu, tình bạn, sự chân thành và nghị lực để mùa xuân này hạnh phúc biết bao...
PHÙNG HÀ