Một số quan điểm cho rằng người hòa nhã, cố giúp đỡ đồng nghiệp tại nơi làm việc sẽ khó thăng tiến, nhưng các chuyên gia phản bác.
Đầu tháng 5, một TikToker tên Jacqueline chia sẻ một video lên mạng xã hội trong đó đưa ra quan điểm một nhân viên giỏi chuyên môn, luôn vui vẻ với mọi người sẽ không thể thăng tiến bởi quá thật thà, dễ bị lợi dụng. Đặc biệt sự chăm chỉ không phải yếu tố quyết định việc thăng tiến. Chiều ngược lại, người lãnh đạo không cần phải cư xử hòa nhã hay giỏi chuyên môn.
Video nhanh chóng lan rộng và đạt hơn 8 triệu lượt xem và 900.000 lượt thích. Dưới bình luận, nhiều người bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Jacqueline. Họ gọi đây là "hình phạt hiệu suất" mô tả thực trạng "nhân viên giỏi sẽ được giao thêm nhiều việc hơn nhưng công lao thuộc về cấp trên".
Định kiến "người thô lỗ dễ thành công" tồn tại từ lâu nhưng nhiều bằng chứng khoa học lại chứng minh điều ngược lại.
Nghiên cứu năm 2020 của giáo sư Cameron Anderson, Trường Kinh doanh Haas, Đại học California (Mỹ) khẳng định những người có tính cách khó chịu không thăng tiến nhanh hơn nhóm thái độ dễ mến, vui vẻ.
Kết luận dựa trên bài kiểm tra tính cách của sinh viên đại học, nhóm tốt nghiệp được 14 năm cũng như theo dõi sự nghiệp cá nhân của họ.
Số liệu cho thấy những người sở hữu thái độ cộc cằn có đặc điểm trái ngược nhau ảnh hưởng đến sự thăng tiến. Ưu điểm, người sở hữu tính cách này có khả năng quyết đoán và sở hữu quyền lực. Song nhược điểm là họ ích kỷ, thiếu tinh thần đồng đội và khiến đồng nghiệp thiếu cái nhìn thiện cảm.
Giáo sư Andrew Brodsky của Đại học Texas, Trường Kinh doanh McCombs (Mỹ) nói có nhiều lợi ích khi làm một nhân viên tử tế.
"Việc giúp đỡ người khác và hướng đến những lợi ích chung sẽ giúp bạn có được sự tin tưởng từ mọi người. Điều này giúp bạn có nhiều cơ hội nhận được nguồn lực, các thông tin có lợi mà không phải ai trong tổ chức có được", Brodsky nói.
Ông giải thích thêm mọi người có thiện cảm với những cá nhân tử tế và sẵn sàng giúp đỡ họ. Do vậy, việc tỏ ra tử tế có thể nâng cao vị thế trong môi trường làm việc.
Năm 2022 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Trung Quốc, Đại học Iowa và Đại học Purdue (Mỹ) đã phân tích 200 nghiên cứu về động lực hướng đến cộng đồng, nghĩa là xu hướng thích giúp đỡ người khác trong môi trường làm việc. Kết quả cho thấy các nhân viên có động lực hướng đến cộng đồng thường có mức độ hạnh phúc, tăng hiệu suất làm việc và thăng tiến cao hơn.
Riêng tư tưởng "người lãnh đạo doanh nghiệp phải tự cao, khó gần", giáo sư Ryan Vogel, Trường Kinh doanh Fox, Đại học Temple (Mỹ) phủ nhận. Ông cho rằng những người tự cao có thể đánh lừa những người xung quanh một thời gian nhưng sớm bộc lộ yếu điểm.
"Đúng là có nhiều CEO tự cao nhưng không phải kẻ tự cao nào cũng thành công và trở thành CEO", giáo sư Vogel nói.
Giáo sư chỉ ra lỗi lập luận khi đánh đồng sự tử tế với việc dễ bị lợi dụng. Bởi người tử tế không làm hài lòng mọi, thay vào đó họ cư xử lịch sự, tử tế.
Giáo sư Andrew Brodsky cũng cho rằng nhân viên có thể quên mất lợi ích của bản thân khi quá quan tâm đến lợi ích tập thể. Ông giải thích một trong những lý do khiến đoạn video của Jacqueline được lan truyền rộng là do lòng trung thành với doanh nghiệp đã suy giảm những năm gần đây, khiến người lao động có xu hướng phê phán lãnh đạo.
Như trước đây một nhân viên cống hiến 40 năm cho tổ chức có thể được nhận đồng hồ vàng hoặc đồ vật có giá trị trước khi nghỉ hưu. Nhưng giờ đây sự gắn bó này không còn nhiều, đặc biệt trong thời kỳ tình trạng cắt giảm nhân sự diễn ra mạnh mẽ.
"Khi các doanh nghiệp thờ ơ với người lao động, ở chiều ngược lại các nhân viên đặt câu hỏi liệu có nên trung thành với họ", chuyên gia nói.
T.H (theo VnExpress)