Dành cho người yêu thơ

Mùa xuân xanh biếc, nẻo đường tương lai

LÊ THÀNH VĂN 07/03/2024 14:00

Bài thơ "Mùa xuân em đi trồng cây" của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã thể hiện rất thành công đề tài "Mùa xuân là Tết trồng cây".

MÙA XUÂN EM ĐI TRỒNG CÂY

Mùa xuân em đi trồng cây
Nắng lên từ phía bàn tay em trồng
Đồi hoang sẽ hóa rừng thông
Núi loang lổ cháy sẽ bùng màu xanh.

Này em, này chị, này anh
Người vun gốc, kẻ nâng cành non tơ
Dốc nghiêng, mũ nón nhấp nhô
Đàn chim vui hót líu lo quanh đồi.

Gió ngoan chạm giọt mồ hôi
Để gương mặt nở nụ cười hồn nhiên
Nắng xuân lấp lánh mọi miền
Niềm vui háo hức trải trên núi đồi.

Từ bàn tay nhỏ đấy thôi
Góp mầm xanh với đất trời yêu thương
Rồi đây trên khắp quê hương
Màu xuân xanh biếc nẻo đường tương lai.

NGUYỄN LÃM THẮNG

“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” (Hồ Chí Minh). Sinh thời, Bác Hồ đã dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng nước ta như thế. Để làm theo mơ ước của Người, việc phát động trồng cây gây rừng, mang lại màu xanh đẹp tươi cho đất nước là hoạt động thường xuyên của thanh niên, học sinh trong nhà trường. Bài thơ Mùa xuân em đi trồng cây của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng (sinh 1973, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã thể hiện rất thành công đề tài này, khơi dậy cho các bạn nhỏ ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh trên mọi nẻo đường quê hương.

Ở khổ thơ đầu, tác giả Nguyễn Lãm Thắng giới thiệu hình ảnh bạn nhỏ đi trồng cây trên đồi hoang cùng với mọi người. Ánh nắng mùa xuân rực rỡ của đất trời như cũng hòa mình vào không khí lao động. Từ phía bàn tay đang cần mẫn trồng cây của bạn nhỏ, màu nắng chợt bừng sáng lên đẹp đẽ. Trong tâm hồn ngây thơ kia, niềm ước mơ về một đồi hoang sẽ trở lại xanh tươi, mướt mát:

Mùa xuân em đi trồng cây

Nắng lên từ phía bàn tay em trồng

Đồi hoang sẽ hóa rừng thông

Núi loang lổ cháy sẽ bùng màu xanh.

Sau lời giới thiệu về không gian, thời gian và hình ảnh bạn nhỏ trồng cây, tác giả miêu tả hoạt động không khí trồng cây thật vui tươi, nhộn nhịp. Lời hô gọi say sưa “này em, này chị, này anh” như tiếng reo vui vang lên giữa núi đồi trùng điệp. Mũ nón nhấp nhô, chim kêu lảnh lót, màu nắng xuân lấp lánh… tất cả như bừng lên rộn rã âm thanh và lộng lẫy sắc màu:

Này em, này chị, này anh

Người vun gốc, kẻ nâng cành non tơ

Dốc nghiêng, mũ nón nhấp nhô

Đàn chim vui hót líu lo quanh đồi.

Điều thú vị ở đây là nhà thơ đã quan sát rất tỉ mỉ bức tranh thiên nhiên xung quanh hoạt động trồng cây. Ba hình ảnh được tập trung nhiều nhất là đàn chim, gió và nắng. Đàn chim vui hót bằng những âm thanh líu lo giữa mùa xuân rực rỡ. Gió nhẹ nhàng và trông rất “ngoan” cũng chạm giọt mồ hôi của người bạn nhỏ đang nở nụ cười hồn nhiên. Ánh nắng mùa xuân lấp lánh trên cao soi chiếu khắp miền. Bức tranh xuân đẹp và lộng lẫy quá. Cảnh và người, âm thanh thiên nhiên và âm thanh của hoạt động trồng cây hòa quyện vào nhau, chan hòa khắp đồi núi:

Gió ngoan chạm giọt mồ hôi

Để gương mặt nở nụ cười hồn nhiên

Nắng xuân lấp lánh mọi miền

Niềm vui háo hức trải trên núi đồi.

Từ hình ảnh bạn nhỏ trồng cây, tác giả đã khái quát về giá trị lao động và đóng góp của con người mang lại màu xanh cho quê hương, đất nước. Mỗi bàn tay nhỏ bé góp một mầm xanh, nhiều bạn nhỏ chung tay sẽ tạo thành màu xanh bất tận. Nhờ đó, tương lai trên khắp mọi nẻo đường sẽ hóa thành “màu xuân xanh” vĩnh viễn:

Từ bàn tay nhỏ đấy thôi

Góp mầm xanh với đất trời yêu thương

Rồi đây trên khắp quê hương

Màu xuân xanh biếc nẻo đường tương lai.

Từ bài thơ lục bát giản dị, qua việc làm cụ thể của bạn nhỏ, bài học về giá trị lao động, sự đoàn kết và ý thức đóng góp cho quê hương của mỗi người thật đẹp đẽ, lớn lao. Đọc xong tác phẩm, chắc rằng mỗi bạn nhỏ sẽ yêu hơn hàng cây tỏa mát nơi mái trường mình học và có nhiều đóng góp thiết thực, bổ ích khác để gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.

LÊ THÀNH VĂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân xanh biếc, nẻo đường tương lai