Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ hàng đầu là chống dịch thì cần đặc biệt quan tâm đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội. Trong nước, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người, đời sống của nhiều người dân rơi vào cảnh lao đao. Đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, lâm vào cảnh phá sản, đình trệ sản xuất, kinh doanh, đứt gãy cung cầu, thị trường sụt giảm do phải thực hiện giãn cách xã hội, phong toả để phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, chúng ta xác định phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Muốn sớm làm được điều này, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cần thực sự vào cuộc, phải tới tận các doanh nghiệp, gặp gỡ các doanh nhân để quan sát, lắng nghe, từ đó có những quyết sách kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp họ vững tay chèo vượt qua sóng cả.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ hàng đầu là chống dịch thì cần đặc biệt quan tâm đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp. Bởi hơn ai hết, doanh nghiệp, doanh nhân là nơi tạo ra nhiều việc làm nhất, sản xuất ra nhiều của cải nhất cho xã hội. Trong lúc nước sôi lửa bỏng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cũng chính các doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng đóng góp to lớn nhất cho các Quỹ Phòng chống dịch bệnh Covid-19, Quỹ vaccine phòng Covid-19, huy động các nguồn lực để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Họ cũng là những người khó khăn, vất vả nhất khi vừa phải lo cho bản thân mình, vừa phải chăm lo sức khoẻ, giữ vững việc làm cho người lao động của doanh nghiệp. Giữa bộn bề khó khăn ấy, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vì không chịu nổi những khó khăn do dịch bệnh gây ra đã bị phá sản, hoặc đứng bên bờ vực phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Hải Dương có 639 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, 123 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, lần lượt tăng 21,7% và 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Chưa có những phân tích cụ thể để đánh giá rõ hơn trong số các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phải giải thể kia có bao nhiêu phần trăm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng có lẽ tỷ lệ là rất lớn. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng tốt hơn, những chỉ đạo của trung ương cũng thay đổi linh hoạt hơn, thì càng đòi hỏi các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải chủ động, có những quyết sách, những chỉ đạo mau lẹ hơn, quyết liệt và kịp thời hơn. Phải thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với đội ngũ doanh nhân để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc nhất là do cơ chế, chính sách, những quy định mà chính quyền đặt ra không còn phù hợp, từ đó kịp thời tháo gỡ, chia sẻ, động viên để giúp doanh nghiệp, doanh nhân sớm vượt qua khó khăn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được phân công trực tiếp các lĩnh vực, phần việc liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần xác định quan điểm nhất quán, rõ ràng là “giúp doanh nghiệp, doanh nhân cũng là giúp chính mình”, “việc của doanh nghiệp, doanh nhân cũng là việc của mình” thì mới sớm tháo gỡ được những khó khăn cho các doanh nghiệp. Và chỉ có thực sự chăm lo cho doanh nghiệp, doanh nhân thì chúng ta mới sớm phục hồi được sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
VŨ ÚY (Kim Thành)