Rộng cửa xuất khẩu lao động

01/01/2020 09:06

Năm 2019 với nhiều cơ chế linh hoạt, nước ta tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đây là cơ hội để người lao động cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng có thêm những lựa chọn tốt.

Người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS

Nhiều cơ hội mới

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh, Nhật Bản đang là thị trường dẫn đầu trong thu hút người lao động (NLĐ) tỉnh ta đến làm việc. Những năm gần đây, tỷ lệ NLĐ Hải Dương sang nước này làm việc luôn chiếm khoảng 40% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Theo thống kê từ các doanh nghiệp được phép xuất khẩu lao động (XKLĐ) và các chương trình tuyển thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản làm việc của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), từ năm 2018 đến nay có hơn 3.000 NLĐ Hải Dương sang Nhật Bản làm việc. Tháng 4.2019, Nhật Bản ký với nước ta bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để triển khai chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”, cấp visa kỹ năng đặc định với nhiều ưu đãi cho 14 ngành nghề... Những cam kết này giúp hoạt động XKLĐ thêm thuận lợi. NLĐ của tỉnh đang làm việc tại Nhật Bản có cơ hội làm việc lâu dài ở nước này với mức lương bảo đảm hơn...

Những ngày giữa tháng 12.2019, cùng với cả nước, NLĐ tỉnh ta có nhu cầu đã đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS). Năm 2019, Hải Dương có 7 địa phương đủ điều kiện tuyển chọn lao động theo chương trình này, tăng 2 nơi so với năm 2018. Đây cũng là tín hiệu vui vì Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường XKLĐ trọng điểm của tỉnh, chỉ đứng sau Nhật Bản.

Ngoài hai thị trường truyền thống trên, năm 2019, Bộ LĐTBXH đã mở thêm nhiều thị trường XKLĐ khác. Bộ trưởng LĐTBXH đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với hai nước Bulgaria và Rumani, giúp nhiều NLĐ có cơ hội việc làm ở các quốc gia này trong thời gian tới. Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, với nhiều chính sách thay đổi trong năm 2019, Ba Lan cũng đang và sẽ tạo điều kiện thu hút NLĐ đến từ Việt Nam tham gia trong các nhóm ngành cơ khí, vận hành máy móc, hàn, đóng tàu, cơ khí...

Để giúp NLĐ tiếp cận với các chương trình XKLĐ được cấp phép, Sở LĐTBXH đã lồng ghép việc hướng dẫn nghiệp vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào các chương trình tập huấn, truyền thông về việc làm; gửi văn bản tuyên truyền, phổ biến chính sách về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đến các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả trong năm 2019, toàn tỉnh có hơn 4.500 người đi XKLĐ, tăng hơn 400 người so với kế hoạch giao.

Thuận lợi hơn

Từ ngày 8.11.2019, theo quy định của Chính phủ, người đi làm việc ở nước ngoài có thể được vay vốn đến hơn 100 triệu đồng (thời điểm trước đó chỉ được vay khoảng 50 triệu đồng). Anh Trần Duy Sơn, sinh năm 1992, ở xã An Thượng (TP Hải Dương) đang làm thủ tục sang Nhật Bản làm việc theo diện thực tập sinh. Anh Sơn cho biết do kinh tế gia đình còn khó khăn nên đã có lúc anh băn khoăn về quyết định đi XKLĐ của mình. Chính sách vay vốn mới kể trên đã giúp anh Sơn giải tỏa nỗi lo. "Tôi đã từng làm nhiều công việc khác nhau nhưng nếu so sánh thu nhập với những người đi làm việc ở Nhật Bản trong thời gian qua còn kém xa. Tôi đi một thời gian để có phát triển kinh tế gia đình", anh Sơn nói. 

Ông Ngô Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cho biết thời gian qua trung tâm đã phối hợp với những doanh nghiệp uy tín, đủ điều kiện đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc để tuyển dụng lao động. Hoạt động này không chỉ hoàn toàn miễn phí mà NLĐ còn có sự bảo đảm của trung tâm về mọi giao dịch với doanh nghiệp tuyển dụng, không lo bị lừa môi giới hoặc nội dung công việc, mức thu nhập khác với hợp đồng ký kết.

Theo Sở LĐTBXH, hằng năm có hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về Hải Dương tuyển chọn lao động. Để XKLĐ thành công, bảo đảm quyền lợi, NLĐ nên lựa chọn những đơn vị đủ chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về XKLĐ.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Rộng cửa xuất khẩu lao động