Lao động - Việc làm

Vỡ mộng xuất khẩu lao động vì "công ty ma"Bài 1: Nhận "trái đắng"

BIÊN ANH 20/12/2023 06:00

Ôm mộng ra nước ngoài lao động để đổi đời nhưng nhiều người đã nhận "trái đắng" khi gặp phải "công ty ma". Từ hôm nay, báo Hải Dương đăng loạt bài "Vỡ mộng xuất khẩu lao động vì công ty ma" phản ánh thực trạng này.

00:00

z4967169664872_8e6b5c706f39ac56468234f197865a8a.jpg
Gia đình ông Nhữ Văn Hùng (Bình Giang) mong sớm nhận lại số tiền bị lừa đảo cho con đi xuất khẩu lao động

Thời gian qua, nhiều người ở Hải Dương đã bị mất tiền, rơi vào cảnh nợ nần vì mắc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động của những đối tượng môi giới, “công ty ma”.

Mất tiền

Tháng 8/2023, khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, anh Bùi Văn Thanh ở huyện Ninh Giang được người quen giới thiệu gặp bà Trịnh Thị Hằng, quê ở thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng). Theo anh Thanh, bà Hằng tự giới thiệu đang làm ở Công ty TNHH Thương mại và Du học quốc tế ANA, có khả năng đưa anh Thanh đi sang Hàn Quốc làm thợ hàn trong ngành đóng tàu theo diện Visa E7. Bà Hằng đã yêu cầu anh nộp gần 24 triệu đồng tiền cọc. Bà Hằng thu tiền không có hợp đồng hay biên bản làm việc, chỉ có phiếu thu do chính bà viết tay và ký tên.

z4964242851850_e9725c8813261d1e895be5eec1f6a5b5.jpg
Bà Trịnh Thị Hằng viết phiếu thu nhận của anh Bùi Văn Thanh 24 triệu đồng đặt cọc đi Hàn Quốc

Trong phiếu thu tiền do anh Thanh cung cấp, bà Hằng ký là kế toán trưởng và thể hiện anh Thanh nộp tiền để “tham gia chương trình E7” kèm điều kiện “trong khi tham gia bất kỳ 1 lý do nào người lao động hủy số tiền không trả lại”. Anh Thanh cho biết đầu tháng 10 vừa qua, bà Hằng tiếp tục yêu cầu anh nộp thêm 2.000 USD (gần 50 triệu đồng). Sau khi tìm hiểu, tự nhận thấy năng lực, trình độ không thể đáp ứng điều kiện đi lao động ở Hàn Quốc, anh Thanh đề nghị dừng tham gia chương trình và yêu cầu bà Hằng trả số tiền đặt cọc đã nộp. Bà Hằng không đồng ý.

"Khi tôi tìm hiểu kỹ hơn thì thấy các điều kiện đi Hàn Quốc theo diện Visa E7 rất cao như phải có kinh nghiệm nghề nghiệp, tay nghề kỹ thuật cao, tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng trở lên… Trong khi đó, tôi chỉ tốt nghiệp cấp 2, chưa từng làm công việc hàn xì bao giờ nên muốn lấy lại tiền nhưng không được", anh Thanh cho biết thêm.

Những lúc rảnh rỗi, ông Nhữ Văn Hùng ở xã Thái Hòa (Bình Giang) lại đem những giấy tờ liên quan đến việc bị lừa đảo xuất khẩu lao động của con trai là Nhữ Văn Quốc xem lại như một bài học về sự cả tin. Ông Hùng cho biết hoàn cảnh khó khăn, thấy những người trong thôn đi xuất khẩu lao động đều có thu nhập tốt, cuộc sống khấm khá nên ông cũng muốn con trai có cơ hội đổi đời. "Ban đầu tôi định cho con đi Đài Loan nhưng vì nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của Đỗ Văn Thìn - người tự giới thiệu là đại diện Công ty TNHH Phát triển thương mại Minh Ngọc có trụ sở tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) nên quyết định cho con đi Hàn Quốc. Năm lần bảy lượt, anh Thìn về làm việc và thuyết phục gia đình tôi nộp hơn 150 triệu đồng. Tiền đã nộp nhưng chờ mãi con tôi vẫn chưa được đi. Đến khi tìm hiểu kỹ mới biết mình bị lừa”, ông Hùng nói.

Ngoài gia đình ông Hùng, gia đình ông Nguyễn Đình Cán ở xã Hồng Khê (Bình Giang) và nhiều người khác ở các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Nghệ An… cũng bị Thìn lừa đảo cùng đợt, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.

Mắc nợ

Công ty ít đơn hàng nên chị Nguyễn Thị Hải ở thị trấn Tứ Kỳ bị mất việc. Khi lướt Facebook thấy thông tin có thể sang Australia làm nông nghiệp, chị Hải liền nhắn tin riêng cho người đăng bài. Ngay lập tức chị được người này gọi điện hỏi han và hướng dẫn các thủ tục đi Australia làm việc.

Tin rằng cơ hội đổi đời tại Australia sắp đến, chị Hải đã lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm nộp hơn 50 triệu đồng gồm tiền khám sức khỏe, làm hồ sơ cho một người có tên là Nguyễn Văn Dũng, giới thiệu là đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tư vấn du học quốc tế Shaphia có trụ sở ở Hải Phòng. Chị còn vay thêm 100 triệu đồng từ người thân để nộp chống trốn… Khi chị đọc được thông tin cảnh báo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương mới biết mình bị lừa. “Mù thông tin nên tôi không biết hai nước mới đang đàm phán, chưa triển khai visa nông nghiệp. Cá nhân, tổ chức nào nhận tiền của người lao động để đưa họ đến Australia bằng visa 403 đều không hợp lệ, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu biết được thông tin này sớm tôi sẽ không bị mất tiền”.

Đến giờ chị N.T.H. ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) vẫn chưa quên những ngày chờ đợi trong tuyệt vọng khi bị Công ty TNHH Sinh thái Việt Nam (Vineco) ở quận Đống Đa (Hà Nội) lừa tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động. Nghe một người quen mách nước, vợ chồng chị H. lên Hà Nội tìm đến Công ty Vineco để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Sau nhiều lần trì hoãn vì những lý do khác nhau, 3 tháng sau, đại diện doanh nghiệp mới gọi điện báo chị H. chuẩn bị hành lý lên Hà Nội làm thủ tục để bay sang Hàn Quốc. “Công ty thu hết hành lý của chúng tôi rồi dồn 10-15 người vào một phòng bảo chờ khi nào gọi thì đi. Hơn chục người ăn chực, nằm chờ trong khu trọ gần công ty với tâm trạng lo lắng, bất an nhưng không ai dám bỏ về. Đến ngày thứ 10, Công ty Vineco mới thông báo cho lao động về nhà với lý do chưa bay được do vướng thủ tục”. Sau nhiều năm chờ đợi, viết hàng chục đơn kiện lên các cơ quan chức năng từ tỉnh đến trung ương, Công ty Vineco cũng đã bị Công an TP Hà Nội điều tra vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động nhưng đến nay chị H. cùng nhiều lao động khác vẫn chưa đòi được tiền. Số tiền vợ chồng chị H. vay nộp cho Công ty Vineco vẫn còn nợ hơn 100 triệu đồng.

z4916208486116_975f5f8c6a347213b5ecb7c760ff9f3b.jpg
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch L&R thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) trục lợi hàng tỷ đồng của người lao động Hải Dương và nhiều tỉnh lân cận (ảnh bạn đọc cung cấp)

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Hải Dương còn ghi nhận nhiều trường hợp tố Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch L&R thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) thông tin gian dối để trục lợi hàng tỷ đồng của người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Giấc mơ đi lao động nước ngoài chưa thành nhưng nhiều người đang phải ôm những món nợ lớn. Có gia đình phải bán cả ruộng vườn, nhà cửa để trả nợ.

BIÊN ANH
(0) Bình luận
Vỡ mộng xuất khẩu lao động vì "công ty ma" Bài 1: Nhận "trái đắng"