Dành cả thanh xuân, chấp nhận xa gia đình để đến các khu công nghiệp của Hải Dương làm việc, nhiều nữ công nhân mang theo mơ ước đổi đời nhưng không ít người nhẹ dạ, cả tin, chạy theo những cám dỗ mà lỡ bước, sa chân...
Tình xóm trọ
Khi những tia nắng vừa tắt cũng là lúc tan tầm của công nhân khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Họ vội vã ghé vào chợ "cóc" ven đường mua mớ rau, con cá chuẩn bị cho bữa cơm tối đạm bạc.
Đi theo chị L.T.K., nữ công nhân quê ở huyện Quản Bạ (Hà Giang), về khu nhà trọ ngay ở bìa làng Phú Xá (xã Tân Trường) tôi thấy ngoài trời vẫn sáng rõ vậy mà về đến nhà trọ chị K. phải bật đèn. Dãy nhà trọ gần hai chục phòng san sát nhau, tấm lợp xi măng chắp vá, cũ kỹ chắn hết ánh sáng từ bên ngoài. Căn phòng trọ vỏn vẹn 9 m2, chị K. mời tôi vào nhà rồi đóng sập cửa lại. Thấy lạ, tôi hỏi:
- Sao em không mở cửa cho thoáng, lại đỡ tốn tiền điện?
Lấy nửa mớ rau muống còn nguyên rễ, chị K. vừa nhặt vừa phân trần:
- Em không muốn ai soi mói đời tư của mình. Bụng em đã lớn nên cũng ngại người trong xóm bàn ra, tán vào.
Nhớ quê nhưng mấy tháng nay chị K. không dám về. Chị bảo Quản Bạ đẹp lắm, nơi có những cung đèo bám núi uốn lượn quanh co, thung lũng bình yên cùng những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp. Nhà chị K. ngay gần núi đôi Quản Bạ, điểm du lịch nổi tiếng của vùng đất Hà Giang. Tết Thanh minh, quê chị tổ chức to nhưng không dám về vì chưa biết ăn nói thế nào với gia đình, họ hàng. Chị sợ không giấu được bụng bầu hơn 4 tháng mà cha đứa bé đã “quất ngựa truy phong” không thừa nhận.
Đến khi có thai gần 4 tháng chị K. mới bàng hoàng biết người yêu đã đề huề vợ con từ lâu. Anh ta tìm đến chị chỉ đơn giản “giải sầu” khi vợ đi xuất khẩu lao động và tìm kiếm một cậu con trai để nối dõi. Sống thử với nhau thân mật như vợ chồng nhưng đến khi biết chị K. có thai con gái, gã lập tức chuyển chỗ trọ và bảo chị bỏ đứa bé. “Nhưng anh ta đâu có biết cái thai đã lớn nếu phá bỏ rất nguy hiểm. Vì đã có 3 đứa con gái nên anh ta không muốn tôi sinh thêm con gái nữa. Tôi mới 20 tuổi, chưa một lần yêu ai vậy mà lại rơi vào bẫy của một gã lừa tình như thế”, chị K. kể trong nước mắt.
Dù đã tìm về tận quê của gã Sở Khanh nhưng chị K. cũng không làm được gì vì gia đình họ không chấp nhận anh ngoại tình có con với người dân tộc thiểu số.
Nước mắt lã chã suốt buổi trò chuyện, gương mặt trong sáng tuổi đôi mươi của chị K. nhạt nhòa khiến tôi nghẹn ngào.
Xa nhà, cô đơn, khao khát tình cảm, không ít nữ công nhân yêu vội, ghép vá, sống thử giống như chị K. Nhiều người chấp nhận làm mẹ đơn thân hoặc bỏ rơi con, xí xóa cuộc tình thanh xuân đau buồn để làm lại cuộc đời.
Có dịp tới các khu công nghiệp ở Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành... mới biết công nhân sống thử khá nhiều ở các khu nhà trọ. Xa gia đình, tình cảm thiếu thốn nên họ tự ghép đôi ở chung với nhau. Những chủ nhà trọ ở làng Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) luôn không thiếu những câu chuyện về những mối tình ngang trái của nữ công nhân. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ khu nhà trọ ở đây cho biết không ít công nhân còn trẻ, sa đà vào yêu đương và sống thử. Nhiều nữ công nhân chỉ bằng tuổi con gái chị, kiến thức sức khỏe sinh sản còn thiếu mà đã mang thai vì "lỡ dại". “Tôi đã từng dẫn 2 cháu chưa đầy 20 tuổi quê ở Nghệ An và Sơn La đi nạo hút thai tại bệnh viện. Thương các cháu còn trẻ lại không muốn bố mẹ khổ tâm nên tôi đành dẫn đi giải quyết và chăm sóc như con gái của mình”, chị Hoa nói.
Sa chân vào tệ nạn
Hấp tấp đem tuổi trẻ của mình đánh cược vào tình yêu, không ít nữ công nhân đã phải nhận trái đắng như những câu chuyện mà tôi góp nhặt được ở trên. Sau những cuộc tình chóng vánh, dễ tan vỡ nhiều chị em mới bẽ bàng nhận ra phần thiệt luôn thuộc về mình. Thậm chí, nhiều nữ công nhân không còn tin vào tình yêu, ăn chơi sa đọa, "trả thù đời" và từ đó lầm lỡ sa chân vào ma túy, mại dâm.
Đoạn đường qua thôn Quý Dương, xã Tân Trường được nhiều người ví là quốc lộ “sung sướng”. Nơi đây từng có một số tụ điểm mại dâm, ma túy ẩn mình trong những nhà nghỉ, khách sạn mà "gái làng chơi" có cả nữ công nhân.
Thiếu tá Phạm Thanh Tùng, Phó Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết mặc dù Hải Dương không phải là điểm nóng về mại dâm, ma túy nhưng trong các đợt điều tra, triệt phá tội phạm lĩnh vực này có không ít cô gái là công nhân vừa nghiện ma túy vừa bán dâm. Phần lớn những công nhân nữ sa chân vào tệ nạn ít học, lười làm, ham chơi, dễ bị cám dỗ.
Hiện chưa có thống kê cụ thể về số công nhân nữ nghiện ma túy hay lấn sâu vào nghề mua bán dâm nhưng theo nhận định của thiếu tá Phạm Thanh Tùng, số nữ công nhân rơi vào vòng xoáy tệ nạn xã hội tại Hải Dương không ít. Như năm 2023, nữ công nhân P.T.H. người dân tộc Dao quê ở bản Huổi Loóng, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) trong lúc công ty ít việc, không phải tăng ca, nghe theo lời dụ dỗ của một người cùng quê bán dâm cho một vị khách tại nhà nghỉ ở xã Tân Trường và bị công an bắt giữ.
Khu dân cư Độc Lập, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) từ lâu đã trở thành phố của công nhân bởi số lao động ở trọ đã gần bằng số dân gốc của khu. Ở đây gần các doanh nghiệp dệt may lớn nên lao động nữ ở trọ khá nhiều. Theo ông Trần Viết Chiến, chủ nhà trọ ở khu dân cư trên, nguyên nhân dẫn đến những vấp ngã của công nhân nữ do họ còn trẻ, kiến thức thực tế xã hội ít, phần lớn thời gian đi làm, khi về nhà trọ lại đóng cửa làm bạn với điện thoại. Nhiều nữ công nhân không tỉnh táo dễ bị dụ dỗ sống thử, mua bán ma túy và mại dâm. “Có cháu ngay ở huyện Thanh Miện lên đây làm ở Công ty TNHH May Ever-Glory cũng không muốn về nhà mà thuê trọ để sống thử với bạn trai. Khi phát hiện cháu quen với một người nhiều tuổi, có dấu hiệu nghiện ngập, vợ tôi khuyên khéo để cháu tránh xa thì cháu không những không nghe còn sẵng giọng, khó chịu và chuyển đi trọ nơi khác”, ông Chiến chia sẻ.
Quan tâm lao động nữ
Những câu chuyện kể trên không phải đại diện cho cuộc sống nữ công nhân của Hải Dương. Đó chỉ là những "nốt trầm" trong cuộc sống hằng ngày của hàng nghìn nữ công nhân đang làm việc tại đây. Khi công nhân nữ sa vào cuộc sống buông thả cũng là tự mình đánh mất tương lai.
Theo rà soát của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm hơn 60%, tập trung ở các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… Lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp đa phần ở độ tuổi từ 18-30. Nhiều lao động nữ đến từ các tỉnh ngoài, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Với số lượng công nhân nữ không nhỏ như vậy, những chính sách đặc thù để họ gắn bó với công việc, tránh xa tệ nạn xã hội rất cần thiết. Những mô hình chăm lo cho lao động nữ như: “Tổ phụ nữ nhà trọ” của Hội Liên hiệp phụ nữ, “Góc thân thiện” của Tỉnh đoàn Hải Dương hay Câu lạc bộ Công nhân, lao động với sức khỏe sinh sản do Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam thực hiện đang nhạt nhòa cần sớm được đánh thức và hoạt động hiệu quả trở lại…
Quan tâm đến lao động nữ không chỉ là trách nhiệm của công đoàn mà còn của cả doanh nghiệp. Một số mô hình như “Sức khỏe của bạn”, “Phòng vắt sữa cho lao động nữ” cần được nhân rộng. Không chỉ bảo đảm chế độ lương, thưởng, phúc lợi, người lao động, nhất là công nhân nữ cần có môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với giới tính, đặc điểm nghề nghiệp của mình.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chọn khu công nghiệp Tân Trường để xây dựng các thiết chế công đoàn. Tại đây sẽ có nhiều điểm vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Dự kiến các công trình này sẽ khởi công vào quý III năm nay. Đây cũng là tin vui cho lao động Hải Dương nói chung và lao động nữ nói riêng. Khi đời sống tinh thần được nâng cao, công nhân sẽ tránh xa được các tệ nạn xã hội.
Hải Dương đang nỗ lực triển khai các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, trong đó những nữ công nhân đang hằng ngày phải ở trọ trong những dãy nhà lụp xụp, bí bức cũng sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành 340 căn nhà ở xã hội, năm 2025 hoàn thành 1.650 căn, năm 2026 hoàn thành 2.000 căn, năm 2027 hoàn thành 2.190 căn và từ năm 2028- 2030 mỗi năm hoàn thành 3.000 căn.
HẢI MINH