Lao động - Việc làm

Vỡ mộng xuất khẩu lao động vì "công ty ma"Bài 2: Lật tẩy những chiêu trò

BIÊN ANH 21/12/2023 06:00

Thủ đoạn mà các đối tượng, "công ty ma" thực hiện để lấy tiền của người có nhu cầu xuất khẩu lao động ngày càng trắng trợn.

00:00

xkld-2.png
Không có chương trình xuất khẩu lao động sang Đức làm "đầu bếp đặc sản” nhưng Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet vẫn lừa người dân nộp tiền (ảnh người lao động cung cấp)

Trục lợi bt chp

Trong vai người nhà, chúng tôi đã cùng anh Bùi Văn Thanh ở huyện Ninh Giang đến Công ty TNHH Thương mại và Du học quốc tế ANA ở số 34 LK9, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) tìm gặp bà Hằng - người hứa đưa anh Thanh đi lao động tại Hàn Quốc theo diện Visa E7. Bà Hằng nhất định không trả lại tiền. Khi chúng tôi hỏi bà Hằng vì sao nhận đưa anh Thanh đi lao động ở Hàn Quốc, thu tiền đặt cọc không có hợp đồng rõ ràng; hứa đưa anh đi sang Hàn Quốc theo diện visa E7 trong khi trình độ, tay nghề của anh không đi được..., bà Hằng không trả lời và yêu cầu chỉ làm việc với một mình anh Thanh, không làm việc với chúng tôi.

Phóng viên tra cứu trên cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tại địa chỉ http://dolab.gov.vn/ thì không có tên Công ty TNHH Thương mại và Du học quốc tế ANA trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Theo anh Thanh, cùng với tiền đặt cọc, bà Hằng còn bố trí cho anh học và thi tay nghề tại Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Quang Minh ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Không có tay nghề nhưng anh Thanh chỉ phải học và thi trong 5 ngày với chi phí 520.000 đồng/ngày, đã được cấp chứng chỉ.

Từ quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, tháng 7/2022, anh B.V.N ở huyện Cẩm Giàng đã nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet ở TP Hà Nội để làm "đầu bếp đặc sản" tại Đức. Theo quảng cáo thì người lao động sẽ có "cơ hội sống và làm việc tại Đức với mức thu nhập 60-80 triệu đồng/tháng…". Anh N. đã nộp tổng cộng 55 triệu đồng cho nhân viên công ty trên.

Đầu tháng 10/2022, anh N. đã được Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet cho đi học bổ túc nghề bếp tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Trung ương ở Gia Lâm (Hà Nội) trong 2 tuần. "Nhân viên công ty hẹn sau 1 tháng có chứng chỉ nghề và hoàn thiện hồ sơ sẽ được đi. Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần tìm đến công ty hỏi vì sao chưa được đi nhưng công ty không trả lời. Sau đó, chúng tôi tìm đến Đại sứ quán Đức, họ đã khẳng định với báo chí và chúng tôi là không có chương trình xuất khẩu lao động nào liên quan tới "đầu bếp đặc sản”.

anh-xkld-1.png
"Cò" xuất khẩu lao động thường dùng mạng xã hội để đăng những thông tin hấp dẫn về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài với những điều kiện đơn giản để thu hút lao động nộp hồ sơ và tiền cọc

Theo những doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài uy tín, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép thì thời gian học nghề chóng vánh như vậy không thể đi làm việc tại nước ngoài. Chưa kể khi học xong còn phải trải qua những đợt kiểm tra tay nghề và sát hạch kỹ năng rất nghiêm túc.

Nhiều mánh khóe

Hiện nay, không ít tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã sử dụng các trang web gần giống của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như: www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com… để tìm người lao động có nhu cầu. Các website được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Romania, Ba Lan, Australia, New Zealand, Philippines, Cộng hòa Liên bang Đức, Hy Lạp… để lừa đảo người lao động. Nhiều doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng trang cá nhân trên Facebook, Zalo... đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người lao động.

z4958013457947_100d2e3bd92b1a930a6e550cb9b6d80b(1).jpg
Vào mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều “doanh nghiệp ma” xuất khẩu lao động thuê người phát tờ rơi, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài cho phụ huynh chờ ngoài cổng (ảnh minh họa)

Cùng với các thủ đoạn lừa đảo trắng trợn thì chiêu trò phổ biến nhất mà những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng là đưa ra những thông tin thiếu chính xác để thu hút người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp, cá nhân này thường cung cấp cho người lao động thông tin cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với chi phí thấp, thu nhập cao, thủ tục nhanh gọn... Khi người lao động đồng ý đặt cọc tiền, trong quá trình hoàn thiện thủ tục, họ lại tiếp tục bị “móc túi” bằng các loại phí khác về ăn ở, đào tạo nghề, học tiếng, thi chứng chỉ…

Đối với những doanh nghiệp hoạt động với mục đích trục lợi từ người lao động, họ chỉ cần tuyển được càng nhiều người tham gia càng tốt mà không có sự sàng lọc trình độ, tay nghề. Các doanh nghiệp này cũng thường đẩy hết rủi ro về phía người lao động bằng những hợp đồng cài cắm các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp như: nếu không tiếp tục tham gia vì bất cứ lý do gì người lao động cũng không được trả lại tiền đặt cọc; không trả tiền cọc khi người lao động không vượt qua được kỳ thi của nhà tuyển dụng; không cam kết rõ ràng thời gian có thể đưa người lao động đi làm việc hoặc đưa ra thời hạn rất dài để người lao động không đủ kiên nhẫn theo đuổi, chấp nhận mất tiền cọc…

Không ít doanh nghiệp làm đại lý, điểm tư vấn xuất khẩu lao động nhỏ, làm ăn chộp giật, không đủ năng lực nên còn bị chính các đối tác, người môi giới ở nước ngoài đặt qua những đơn hàng “ảo” mà họ khó thẩm định. Vì vậy, sau khi các doanh nghiệp này và đội ngũ cộng tác viên tuyển sinh, thu tiền của học viên để nộp cho đối tác nhưng không thể đưa người lao động đi làm việc. “Doanh nghiệp chúng tôi từng bị như vậy và phải bỏ tiền túi ra trả lại người lao động. Còn với những doanh nghiệp không có khả năng tài chính, không cần uy tín thì họ bỏ mặc người lao động”, lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn du học, xuất khẩu lao động tại TP Hải Dương chia sẻ.

BIÊN ANH
(0) Bình luận
Vỡ mộng xuất khẩu lao động vì "công ty ma" Bài 2: Lật tẩy những chiêu trò