Học nghề để đi lao động ở nước ngoài đang dần trở thành xu hướng mà nhiều bạn trẻ Hải Dương lựa chọn sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ hội lớn
Tốt nghiệp ngành cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương), anh Nguyễn Văn Tính ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) quyết định nộp hồ sơ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Anh Tính cho biết đợt này cả tỉnh có hơn 200 lao động đăng ký dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc trong ngành sản xuất chế tạo và xây dựng. Riêng ngành sản xuất chế tạo số hồ sơ đăng ký chiếm hơn 90% nên khả năng cạnh tranh giành suất đi Hàn Quốc rất khó khăn. “Ngoài thi tiếng Hàn, người lao động còn phải vượt qua vòng kiểm tra tay nghề khắt khe. Những người đã từng học nghề bài bản, nhất là ngành học được công nhận quốc tế như chúng tôi sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Năm trước, nhiều anh chị khóa trước đã vượt qua kỳ thi tay nghề khá dễ dàng để sang Hàn Quốc làm việc. Những người có tay nghề đều được chủ doanh nghiệp ưu tiên làm ở những vị trí tốt và trả lương cao hơn”, anh Tính cho biết.
Tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đi nước ngoài lao động chiếm tới 15% mỗi năm và con số này đang tiếp tục tăng lên. Ông Vũ Trung Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết sau khi học nghề bài bản và được trang bị kỹ năng nghề học viên của trường không chỉ có cơ hội việc làm tốt trong nước mà khi đi nước ngoài làm việc cũng có nhiều ưu thế.
Các học viên đã học nghề hiểu và được rèn giũa tác phong và kỷ luật nghề nghiệp nên thi tay nghề đi làm việc ở nước ngoài cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn so với những người khác. Lao động có kỹ năng, tay nghề khi sang nước ngoài làm việc tiếp cận công việc nhanh. Nhiều học viên trở thành những thợ giỏi, giữ vị trí quan trọng trong các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp nước bạn.
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn của Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương (Cẩm Giàng), anh Nguyễn Hoàng Lam ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) có 2 năm kinh nghiệm làm đầu bếp tại một khách sạn 4 sao ở TP Hạ Long (Quảng Ninh). Tìm cơ hội tốt hơn cho tương lai, anh Lam đã sang Cộng hòa Liên bang Đức làm đầu bếp. Anh đang phụ trách món chính tại một nhà hàng chuyên ẩm thực Việt Nam và Thái Lan tại thủ đô Berlin. Nhờ có bằng cấp lại giàu kinh nghiệm thực tế nên anh Lam được chủ nhà hàng trả 50 triệu đồng/tháng. Anh Lam cho biết mức thu nhập của đầu bếp tại Đức cao hơn nhiều so với làm ở trong nước.
Tại Hải Dương, trong số hơn 9.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài trong 9 tháng qua thì số lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề chiếm khoảng 10%. Đây là cơ hội nghề nghiệp cho nhiều học sinh, sinh viên đã được đào tạo nghề bài bản. Nhiều người tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề đã trúng tuyển và đi làm việc tại nước ngoài theo chương trình kỹ sư nên có cơ hội phát triển tốt hơn.
Xu hướng mới
Những năm gần đây, mặc dù Hải Dương là địa phương có số người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc tốp đầu cả nước nhưng trình độ lao động lại chưa cao, phần lớn là lao động phổ thông, ít người có bằng cấp, chứng chỉ nghề.
Chị Mạc Thị Thủy, đại diện Công ty CP Nhân lực Kiyokawa ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) nhận định, trước đây các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần tuyển lao động phổ nhưng những năm gần đây thì nhu cầu lao động có trình độ, nhất là lao động qua đào tạo, có tay nghề ngày càng tăng lên. Lao động qua đào tạo nhanh nhạy, đáp ứng được yêu cầu đổi mới liên tục của máy móc, dây chuyền sản xuất. Thời gian tiếp cận công việc cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Hải Dương đặt mục tiêu những năm tới sẽ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc ở những thị trường có thu nhập cao như Đức, Australia, một số nước châu Âu. Do đó yêu cầu về trình độ, tay nghề của người lao động càng cần được chú trọng.
Tại buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài mới đây, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, có tay nghề và ngoại ngữ là thế mạnh để lao động Việt Nam có chỗ đứng ở nước ngoài. Thực tế hiện nay lao động nước ta do tay nghề thấp nên thu nhập thường không cao bằng nhiều nước khác. Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng với xu hướng nhiều học sinh, sinh viên của Hải Dương học nghề ra trường muốn đi lao động nước ngoài như hiện nay thì chất lượng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động của tỉnh sẽ tăng lên đáng kể.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của Hải Dương không ngừng tăng lên trong 5 năm qua (tăng từ 19,1% năm 2016 lên 31,5% năm 2022). Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của tỉnh năm 2022 cao hơn năm 2021 là 3% và cao hơn toàn quốc 5,3%. Đây cũng là cơ hội lớn để đưa lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài, giúp tăng thu nhập và vị thế của lao động Hải Dương.
HẢI MINH