Khoảng trống “Hậu xuất khẩu lao động”

04/07/2022 05:30

Nhiều người từng đi xuất khẩu lao động, có tay nghề, tác phong công nghiệp nhưng sau khi hết hợp đồng lao động về nước lại không tìm được việc làm như ý. Các cấp, ngành cần quan tâm, sớm có giải pháp thu hút nguồn nhân lực quan trọng này.


Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Vinawood (Bình Giang) sẵn sàng tuyển dụng và trả mức lương xứng đáng cho lao động có trình độ tay nghề cao từ nước ngoài về

Có tay nghề, được rèn luyện tác phong công nghiệp nhưng không ít người sau khi hết hợp đồng lao động về nước đã không tìm được việc làm như mong muốn. Đồng vốn tích lũy vơi dần và họ đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Để tránh lãng phí nguồn nhân lực này, các cấp, ngành liên quan cần sớm có giải pháp. 

Thiếu kết nối

Về nước gần 5 tháng nay nhưng anh Nguyễn Văn Hà ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Anh đã mang hồ sơ đến một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện rồi ra khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) tìm việc nhưng vẫn không được. Nguyên nhân không phải do doanh nghiệp không muốn tuyển người mà mức lương họ trả chưa làm anh Hà hài lòng. Anh Hà cho biết: “Làm việc ở Nhật Bản gần 10 năm tôi đã được trả gần 40 triệu đồng/tháng. Nhiều chế độ phúc lợi cho người lao động nước họ cao hơn hẳn ở Việt Nam. Tôi có kinh nghiệm nhiều năm làm thợ chính nhưng khi về đây chỉ được trả mức lương bằng 1/3 và phải làm thợ phụ. Tôi cũng chưa biết làm cách nào để tìm được thông tin doanh nghiệp cần tuyển thợ hàn tay nghề cao?”

Không ít lao động sau khi hết hạn hợp đồng làm việc về nước chung suy nghĩ và hoàn cảnh như anh Hà. Họ được đào tạo trong môi trường làm việc chuyên nghiệp nên kỳ vọng khi về nước sẽ được đối đãi tử tế, mức lương nhận được xứng đáng với những kinh nghiệm, kiến thức mà họ học được từ nước ngoài nhưng không ít người phải thất vọng. Bà Trần Thị Khuyên, Trưởng phòng Tư vấn, giải quyết việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho biết một trong những nguyên nhân khiến lao động sau khi về nước khó kiếm việc làm hoặc nếu tìm được việc thì cũng không được như ý do kết nối giữa những lao động này và các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu còn gặp nhiều rào cản. “Để tổ chức một phiên giao dịch trực tuyến tìm việc cho lao động về nước mất rất nhiều thời gian vì thông tin của người lao động không có nhiều. Chúng tôi phải tìm nhiều cách để tổng hợp và xin thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) mới được vài trường hợp. Liên hệ với các địa phương thì gần như họ không nắm được. Nhiều lao động cũng không thể kết nối được để mời họ tham gia phiên giao dịch việc làm”, bà Khuyên chia sẻ. 

Mỗi năm Hải Dương có hàng nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng dữ liệu thông tin số lao động về nước gần như bị bỏ ngỏ, không được tổng hợp hay cập nhật. Thiếu quan tâm, chăm lo sau khi về nước sẽ khiến nhiều lao động tìm cách tiếp tục đi xuất khẩu lao động, như vậy sẽ lãng phí nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề.

 Không để lãng phí nguồn lực

 Cơ hội việc làm dành cho những người đi xuất khẩu lao động về nước rất lớn vì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Dương khá nhiều. Họ luôn có nhu cầu tuyển dụng những người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đây là nguồn lực rất quan trọng để tỉnh có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng cho các doanh nghiệp. Đây cũng là cách giúp các doanh nghiệp không phải tốn chi phí cử lao động đi đào tạo, nâng cao tay nghề ở nước ngoài hoặc phải mời chuyên gia nước ngoài sang làm việc một thời gian để chuyển giao công nghệ. Phần lớn lao động đã đi làm việc ở nước ngoài đều biết ngoại ngữ. Họ quen với công nghệ cũng như tác phong làm việc ở nước ngoài nên dễ đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Dương. Do đó khâu kết nối giữa người lao động đi làm việc tại nước ngoài khi về nước với các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa. “Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương đã tổ chức một số phiên giao dịch trực tuyến kết nối tìm việc làm cho lao động về nước nhưng chưa thu hút được nhiều lao động tham gia”, ông Thái cho biết.

Ngoài các phiên giao dịch việc làm cho lao động sau khi đi làm việc tại nước ngoài, để khai thác nguồn lực này hiệu quả và bài bản, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng chương trình, đề án riêng để tỉnh khai thác hiệu quả nguồn lao động sau khi về nước. Nội dung này dự kiến trình HĐND tỉnh vào cuối năm nay. Hải Dương cũng là một trong những tỉnh làm sớm và đi đầu trong việc xây dựng một chính sách bài bản để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực “hậu xuất khẩu lao động”. 

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) ngoài những chính sách tạo điều kiện để người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về tỉnh thì bản thân người lao động cũng phải thay đổi để thích ứng với môi trường làm việc trong nước. Không thể cho rằng mình đã làm việc ở nước ngoài thì không cần phải tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Ở bất cứ một môi trường làm việc nào cũng cần sự cố gắng, nỗ lực của người lao động và sẽ được doanh nghiệp đãi ngộ xứng đáng.

Ngoài chính sách của tỉnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động về nước thông qua việc thiết lập dữ liệu thông tin khi lao động trở về để các cơ quan chức năng của các tỉnh có thể dễ dàng tiếp cận, kết nối lao động về nước, giúp họ có việc làm phù hợp. 

Theo tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm Hải Dương có khoảng 4.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Năm 2022, toàn tỉnh dự kiến đưa khoảng 4.500 lao động đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức, Australia...  

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống “Hậu xuất khẩu lao động”