Ai cũng có một cuộc đời. Nhưng cốt lõi cuộc đời chỉ đơn giản là hạnh phúc.
Chắc chắn nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa hết bàng hoàng khi mà hình ảnh một nam sinh đang theo học trường chuyên cấp 3 ở Hà Nội đã để lại thư, trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 rồi nhảy xuống tự tử. Không một ai cầm được nước mắt khi thấy hình ảnh đó và đọc những lời viết cuối cùng của cậu bé 16 tuổi.
Liệu sự việc xảy ra có cảnh tỉnh được cả xã hội như nhiều người mong muốn hay không? Các bậc làm cha, làm mẹ có nắm bắt được tâm lý con trẻ hay không? Nhà trường hay môi trường giáo dục có thay đổi được phần nào hay không? Mọi câu hỏi vẫn chỉ là câu hỏi khi mà ngoài kia, những tâm hồn non nớt, mong manh đang bước vào giai đoạn dậy thì đang không chịu được áp lực của học hành, áp lực của gia đình.
Tôi vẫn nhớ, nhiều người bạn của tôi đã từng tâm sự: họ đã từ chối danh hiệu “Phụ nữ hai đảm” ở cơ quan. Bởi họ không thể cùng lúc đảm việc nước và giỏi việc nhà. Nhìn lại các con của minh, đâu đâu cũng giơ cao khẩu hiệu “con ngoan, trò giỏi”. Nếu các con đạt được thành tích toàn diện như thế thì bố mẹ, thầy cô đều nở mày nở mặt, ngẩng cao đầu tự hào. Nhưng được bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi toàn diện.
Xã hội càng hiện đại, cuộc sống càng áp lực. Người lớn đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, đối mặt với đủ mối quan hệ, đủ các loại thành tích. Con trẻ đối mặt với không biết bao luồng thông tin độc hại, trẻ em thành phố không có không gian chơi, dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại học online và phải chạy theo cả áp lực của người lớn. Để rồi chính bản thân nhiều người cô độc trong chính ngôi nhà của minh.
Nhớ lại thế hệ tôi, đi học là cả một bầu trời vui vẻ. Bố mẹ rèn rũa nghiêm khắc nhưng không gây áp lực. Bố mẹ biết được lực học của con cái nên luôn khuyến khích động viên, nặng lắm thì mắng vài ba câu “không học thì sau đi theo đít con trâu”, chứ không có đay nghiến, chửi bới, roi vọt.
Nhìn lại bọn trẻ con bây giờ, nhất là trẻ con thành phố quá áp lực. Nếu nhìn lịch trình học của chúng có khi con trẻ còn vất vả hơn người lớn chúng ta. Bố mẹ ngoài thời gian đến công sở, vẫn còn gặp gỡ bạn bè đối tác, đến giờ nghỉ thì ăn trưa, cà phê với bạn bè, đồng nghiệp. Chiều về có khi làm vài cốc bia, người thì chơi thể thao, người thì thực hiện những đam mê của riêng minh. Nhìn lại bọn trẻ thì sao? Một vòng quay luẩn quẩn: học-ăn-học…đến giờ đi ngủ. Ngay cả ngày nghỉ chúng cũng đâu có được chơi.
Nhất là mấy năm dịch bệnh, trẻ con phải học online, cả ngày giam cầm trong 4 bức tường, mắt muốn lồi ra trước màn hình máy tính. Đến người lớn còn phát cuồng vì không được đi đâu huống hồ con trẻ. Cơ thể chúng đang tuổi phát triển cần phải được hoạt động để giải phóng năng lượng. Chúng cần có bạn bè để trò chuyện, chia sẻ về những câu chuyện được cho là không đầu không cuối của bọn “dở dở, ương ương”. Không những vậy chúng vẫn phải đối mặt với đủ các loại thành tích, nào là điểm số, lớp chọn, trường chuyên. Con cái dường như trở thành vật trang sức của bố mẹ. Bố mẹ bảo học là học, bảo thi là thi, chúng không có quyền được lựa chọn. Vô tình những hằn học, những bực tức, những ức chế cứ dồn nén, tích tụ. Chúng cảm thấy cuộc sống này không có gì thú vị và vui vẻ.
Lá thư tuyệt mệnh của cậu bé 16 tuổi cứ nhẩy nhót trước mắt tôi. Cậu đã nghĩ đến cái chết lâu rồi nhưng vì còn tiếc, tiếc những người bạn, tiếc chưa nghe hết những bài hát hay…Ôi đau xót. Cả một chân trời còn ở phía trước chờ con đi tiếp, chờ con thực hiện, vậy mà!
Giờ, người ở lại mới là đau khổ, hối tiếc, dằn vặt, ám ảnh. Sống sao cho hết cuộc đời?
Vẫn biết cuộc sống là phải vươn lên, là phải cố gắng. Nhưng người lớn chúng ta liệu có thể nhìn lại, có thể thay đổi, có thể không thành tích được không? Hãy dành cho con những lời khen dù chúng làm chưa tốt, hãy khích lệ, động viên nhiều hơn thay vì chỉ trích, hãy dành hết tình yêu thương cho chúng. Người lớn chúng ta hãy bỏ bớt vài nhu cầu cá nhân để ngồi trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ của con cái. Tuổi 16 đang là cái tuổi ngô nghê muốn thể hiện minh, thì bố mẹ hãy cùng ngô nghê cùng con, hãy điên cùng con để phần nào hiểu mong muốn của chúng.
Một ngày với ai cũng chỉ có 24 tiếng. Vậy mỗi bậc làm cha, làm mẹ hãy tự kiểm điểm lại rằng một ngày chúng ra dành bao nhiều thời gian cho con cái. Ngoài vai trò là bố và mẹ thì chúng ta đã thực sự bao giờ trở thành những người bạn của chúng để bọn trẻ tin tưởng gửi gắm tâm sự. Bao bậc phụ huynh dành cho con lời khen ngợi thay vì yêu cầu, chỉ trích và than phiền. Và chúng ta, những người đã trưởng thành có thường xuyên ôm con vào lòng và nói: Bố/mẹ yêu con.
Ai cũng có một cuộc đời. Nhưng cốt lõi cuộc đời chỉ đơn giản là hạnh phúc.
Theo VOV