Điều thú vị là những yếu tố này không chỉ giới hạn ở gen Z, mà có thể giúp bất kỳ ai trong chúng ta trở nên hạnh phúc hơn.
Một khảo sát do chuyên gia về hạnh phúc Arthur C. Brooks hợp tác với Công ty Gallup và quỹ Walton Family thực hiện trên hơn 2.000 người trẻ gen Z từ 12 đến 26 tuổi đã chỉ ra những yếu tố làm tăng mức độ hạnh phúc của họ.
Sống có mục đích giúp hạnh phúc hơn
Cuộc khảo sát cho thấy 73% gen Z cho rằng bản thân họ rất hạnh phúc, hoặc phần nào hạnh phúc.
Zach Hrynowski, tác giả báo cáo khảo sát và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Gallup, cho biết khi thế hệ Z đến tuổi trưởng thành, từ 18 tuổi trở lên, họ có những khác biệt khá lớn về mức độ hạnh phúc.
So với những người dưới 18 tuổi, người trẻ gen Z từ 18 tuổi trở lên cũng có mức độ hạnh phúc sụt giảm, vì những yếu tố thuộc về giá trị tinh thần như "cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và có định hướng".
Một trong những phát hiện quan trọng nhất của cuộc khảo sát cho thấy yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc của gen Z nhiều nhất liên quan đến cảm giác của họ về mục đích ở nơi làm việc hoặc trường học.
Tuy nhiên, từ 43 - 49% gen Z không cảm thấy những gì họ làm mỗi ngày là thú vị, quan trọng hoặc có động lực, báo cáo nêu rõ.
Trong khóa học về hạnh phúc của chuyên gia Brooks tại Đại học Harvard, ông gợi ý hãy xem hạnh phúc của bạn giống như một danh mục đầu tư. Brooks khuyên hãy đầu tư vào bốn lĩnh vực, và một trong số đó là tìm một công việc có ý nghĩa.
David Spicer, 23 tuổi, giáo viên trung học dạy tiếng Anh, cho biết làm việc trong cùng hệ thống trường học nơi anh từng là học sinh đã thúc đẩy mục đích của anh.
Nói với trang CNBC, Spicer chia sẻ anh thích được "ở vị trí để giải quyết một số tình huống có thể giúp trải nghiệm của bản thân khi còn bé tốt hơn, ví dụ như cách dạy học, hoặc mối quan hệ với học sinh".
Mặc dù lớn hơn các học sinh 10 tuổi, nhưng Spicer nhận ra anh có nhiều điểm chung với bọn trẻ, từ đó kết nối tốt hơn. Điều này làm tăng thêm mức độ hạnh phúc của trẻ và của chính anh trong quá trình học tập, giảng dạy.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy ngoài mục đích và ý nghĩa, các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hạnh phúc của thế hệ Z gồm nhu cầu cơ bản và sự an toàn; những cảm xúc tiêu cực và áp lực xã hội; các kết nối xã hội tích cực.
Trong đó, những nhu cầu cơ bản như ngủ và thư giãn có ảnh hưởng lớn đến việc gen Z có hạnh phúc hay không. Ngoài ra, người trẻ cũng thấy kém tích cực hơn khi so sánh bản thân với người khác.
Một điểm quan trọng rút ra từ cuộc khảo sát là những người thuộc thế hệ Z hạnh phúc nhất "có gấp đôi khả năng nói rằng họ cảm thấy được yêu thương, hỗ trợ và kết nối với những người xung quanh".
Chỉ khoảng 1/3 gen Z nói không thường xuyên cảm thấy được ủng hộ hoặc yêu thương.
"Có nhận thức cho rằng thế hệ Z thực sự có sự kết nối, nhưng những kết nối đó có chất lượng cao không? Mọi người có dành cho bạn tình yêu và sự hỗ trợ mà bạn thực sự cần không?", Hrynowski lập luận.
Báo cáo chỉ ra rằng phương tiện truyền thông xã hội có thể góp phần vào việc này. Gen Z có nhiều mối quan hệ trực tuyến với các đồng nghiệp, nhưng nhiều kết nối trong số đó có thể thiếu chiều sâu.
"Những kết nối, đặc biệt là trên mạng xã hội, Brooks gọi là 'đồ ăn vặt'. Bạn có thể ăn và cảm thấy no trong 10 hay 15 phút, nhưng sẽ thấy mình không được thỏa mãn theo cách bạn cần, về mặt kết nối xã hội thực sự", Hrynowski nói.
Điều quan trọng đối với gen Z là không chỉ dựa vào mạng xã hội để tương tác với bạn bè.
Hrynoski nhấn mạnh: "Những người dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và người thân" có nhiều khả năng cảm thấy hạnh phúc lâu dài hơn.
TB (Tổng hợp)