Áp lực nặng nề với học sinh

17/04/2018 08:25

Giữa tuần qua, một nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) nhảy lầu tự tử vì bị stress do áp lực trong học tập, điểm số và áp lực từ gia đình.

Dư luận thêm đau lòng khi được biết đó không phải học sinh có học lực trung bình mà điểm tổng kết học kỳ I của em đạt 8,9 song vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng của gia đình. Học sinh đó chắc chắn đã cố gắng rất nhiều mới đạt được mức điểm mà nhiều học sinh khác còn phải mơ ước nhưng chưa đứng đầu khối. Việc em tự kết thúc cuộc sống của mình ngay tại ngôi trường đang học tập cùng mối u uất trong lòng về điểm số thực sự là hồi chuông báo động về những áp lực nặng nề đang đè lên học sinh. 

Sau nhiều năm triền miên cải cách, từ chương trình sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đạt được mục tiêu giảm tải kiến thức và áp lực học hành cho học sinh mà dường như ngược lại. Khi học sinh bắt đầu bước chân tới trường là các em phải tham  gia một guồng máy quay cuồng để nhồi nhét kiến thức. Tiếp theo đó là áp lực đến từ những kỳ thi từ bậc mầm non cho tới THPT. Trong những năm gần đây, một số kỳ thi đã dần được lược bỏ như thi vào lớp 6 THCS, các kỳ thi học sinh giỏi bậc tiểu học, gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào đại học, cao đẳng vào làm một... Nhưng bên cạnh đó lại nở rộ vô số các cuộc thi không chính thức khác dưới danh nghĩa "hội thi", "sân chơi", "giao lưu". Với bệnh thành tích đã ăn sâu trong ngành giáo dục, sức ép phải đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi này tiếp tục đè nặng lên học sinh. Vì phải học quá nhiều nên các em không còn thời gian vui chơi, giải trí, giải tỏa những căng thẳng trong học hành. Các trường cũng không còn đủ quỹ thời gian để quan tâm đến diễn biến tâm lý của từng học sinh, hướng dẫn các em những kỹ năng mềm cần thiết. 

Chúng ta thường nói học sinh là lứa tuổi hồn nhiên, vô tư nhất. Song ngày nay dường như điều đó không còn được trọn vẹn nữa khi các em cũng phải mang rất nhiều lo lắng. Áp lực trên vai các em không chỉ là lượng kiến thức khổng lồ cần thu nhận mà còn từ sự kỳ vọng, so sánh của người thân. Trong giới trẻ có cụm từ nói về việc này là “con nhà người ta”. Tuy là đùa nhưng ẩn trong đó rất nhiều chua xót. Việc các bậc phụ huynh so sánh con mình với những đứa trẻ khác xuất sắc hơn thường tạo tâm lý tự ti, ức chế và chán nản cho các em, nhất là khi các em đã cố gắng nhưng vẫn chưa được như cha mẹ mong muốn.

Việc mong con đạt thành tích tốt, đứng đầu lớp, đầu khối là mong ước chính đáng của phụ huynh. Song khi mong ước ấy trở thành sức ép khiến trẻ phải cố gắng vượt quá sức mình thì dễ mang lại những hậu quả tiêu cực. Trong những ngày này, học sinh lớp 12 đang làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Những phụ huynh đang cố ép con đăng ký vào trường các em không thích cần quan tâm hơn đến cảm nhận, mong muốn của chúng. Cho trẻ tới trường là để xây dựng những con người hoàn thiện về cả năng lực, kiến thức lẫn vững vàng về nhân cách. Nếu chỉ có kiến thức được tiếp nhận một cách máy móc mà không có bệ đỡ từ những tinh thần mạnh khỏe, lạc quan thì các em sẽ rất dễ chơi vơi, mất phương hướng. Cần có sự quan tâm giảm tải những áp lực cho học sinh từ ngành giáo dục, các trường, gia đình, để không còn có thêm những vụ việc đau lòng như vừa mới xảy ra. 

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực nặng nề với học sinh