Hải Dương phấn đấu đến ngày 30/4 sẽ có chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên được khởi hành tại ga Cao Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) đang tạo ra phương thức vận tải hàng hóa mới, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương và huyện Thanh Hà có kế hoạch làm lễ cắt băng xuất khẩu vải tại ga Cao Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) thay vì cắt băng tại một xã ở huyện Thanh Hà như trước đây. Ga Cao Xá đang được cải tạo, nâng cấp để chạy tàu quốc tế, sẽ cung cấp thêm giải pháp mới trong vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp không chỉ trong tỉnh Hải Dương.
Ga Cao Xá nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, hiện có ba đường sắt, làm nhiệm vụ nhường tránh tàu và xếp dỡ hàng hóa. Ga cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 5 km, kết nối đường huyện 194B với các đường tỉnh, quốc lộ đi tới các địa phương trong và ngoài tỉnh, gần nhiều khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn. Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang khẩn trương nâng cấp, cải tạo nhà ga, kho bãi hàng, đường đón gửi tàu, đường xếp dỡ hàng hóa đáp ứng yêu cầu tối thiểu ngoại quan chuyên dùng. Theo đề xuất của VNR, ga Cao Xá khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế. Tuyến 1 từ ga liên vận quốc tế Cao Xá - Yên Viên (Hà Nội) - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU... Tuyến 2 từ ga Cao Xá - Lào Cai - Sơn Yêu (Hà Khẩu bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc.
Trước áp lực giao thông đường bộ đang quá tải, mất an toàn giao thông, chi phí cao, ô nhiễm môi trường như hiện nay thì phương thức liên vận quốc tế bằng đường sắt là giải pháp hiệu quả bởi chi phí vận chuyển hàng hóa thấp, chở được khối lượng lớn, có thể chở hàng đông lạnh (phù hợp vận chuyển nông sản như vải, cà rốt…), an toàn, giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, Hải Dương có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc nhóm đầu trong cả nước. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất rất cao từ Trung Quốc về Việt Nam cũng như xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn. Sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.
Tại cuộc kiểm tra thực địa công trình nâng cấp, cải tạo bãi hàng ga Cao Xá cùng lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải gần đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng vui mừng vì dự án đã đạt kết quả bước đầu. Sau khi nâng cấp, tàu liên vận quốc tế bằng đường sắt có ý nghĩa lớn đối với Hải Dương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng chí đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến ngày 30/4 sẽ có chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên được khởi hành.
Bên cạnh những thuận lợi của phương thức vận chuyển bằng đường sắt, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng về cung đường di chuyển bằng ô tô và các phương tiện chuyên dụng khác có đủ thông thoáng từ nơi sản xuất tới ga; bãi hàng có đủ rộng và phương tiện bốc xếp thế nào? Thời gian cố định chạy tàu có gây áp lực khi tập kết lượng hàng hóa lớn tại ga đúng giờ để khởi hành? Ăn nghỉ ở khu vực này ra sao?…
Cùng với VNR đẩy nhanh tiến độ nâng cấp qua nhiều giai đoạn để ga liên vận quốc tế Cao Xá hiện đại với bãi hàng, bãi kho rộng hàng chục nghìn m2, các cấp, ngành liên quan của Hải Dương cần tăng cường phối hợp triển khai thực hiện dự án; quan tâm phát triển hình thức vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa thuận lợi. Các cấp, ngành thúc đẩy dự án Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang có công suất 3 triệu tấn hàng hoá/năm và các dự án đang trong thời kỳ "thai nghén" nhằm cung cấp dịch vụ vận tải phong phú cho các khu, cụm công nghiệp đang mở ra ngày càng nhiều.
NGUYỄN HOÀNG