Những dự án đầu tư luôn mang theo kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân khu vực quanh dự án. Nhưng khi dự án chậm triển khai, đất đai để lãng phí thì từ hy vọng sẽ khiến người dân thất vọng.
Dự án Đầu tư nhà máy chế biến nông sản của Công ty CP Vinamit từng được người dân háo hức mong chờ. Thế nhưng 13 năm trôi qua, 35 ha đất nông nghiệp từng là bờ xôi ruộng mật của nông dân các phường Nam Đồng, Ái Quốc (TP Hải Dương) để thực hiện dự án vẫn là khu đất bỏ hoang. Chuyện này không mới, đã được nói nhiều lần song vẫn chưa có hồi kết.
Vốn là dự án lớn nghìn tỷ, được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi khi sớm bàn giao gần 10 ha đất được thu hồi từ người dân nhưng qua 5 năm nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương vẫn giậm chân tại chỗ. Điều đáng nói là TP Hải Dương phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của hàng chục hộ dân để có mặt bằng "sạch" cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Vì thế, khi dự án chậm triển khai không khỏi khiến người dân rất bức xúc. Được biết, chủ đầu đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh dự án nhưng từng đó thời gian trôi qua đã đánh mất niềm tin của nhiều người dân về dự án sản xuất đồ gỗ nội thất được quảng bá là quy mô bậc nhất Đông Nam Á này.
Hải Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư. Thực tế chứng minh tỉnh được không ít doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và quyết định đầu tư. Tuy vậy, bên cạnh những dự án đầu tư hiệu quả thì vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Có dự án chậm tiến độ kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, trở thành "điểm nóng" khiến dư luận bức xúc.
Trước tình trạng này, tỉnh quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư. UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành rà soát các dự án ngoài khu công nghiệp. Tuỳ thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm, đoàn liên ngành đề xuất phương án xử lý phù hợp, tuyệt đối không để dự án đầu tư từ động lực thành "hòn đá" ngáng đường phát triển. Dự án chậm tiến độ kéo dài do nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía doanh nghiệp thì kiên quyết áp dụng biện pháp mạnh là chấm dứt hoạt động. Còn đối với những dự án chưa triển khai vì lý do khách quan, ảnh hưởng của dịch bệnh, thủ tục đầu tư thì xem xét phương án tháo gỡ. Tỉnh tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng cũng quyết liệt, dứt khoát với các nhà đầu tư trì hoãn kéo dài.
Qua thanh tra, kiểm tra, có 78 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá mức độ vi phạm để phân loại xử lý. Trong đó có 4 dự án thuộc diện chấm dứt hoạt động, 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét điều chỉnh đầu tư (danh sách chi tiết), 42 dự án cho phép điều chỉnh đầu tư, 3 dự án phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 5 dự án giao cho cấp huyện xử lý trước khi đề xuất UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Việc phân loại thể hiện sự rõ ràng, công tâm của tỉnh trong xử lý các dự án vi phạm. Tìm được "thuốc đặc trị" và sử dụng đúng liều lượng sẽ là giải pháp hữu hiệu để chấm dứt những hệ luỵ kéo dài của các dự án chậm tiến độ.
HOÀNG LINH