Vào dịp 8/3, anh Thành mua hoa tặng vợ bị chị chê phù phiếm, "thà đưa tiền tự mua", nhưng dịp 20/10 anh chuyển khoản, chị lại trách chồng thực dụng.
Người đàn ông 35 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội bực mình, mắng vợ khó chiều. "Hôm ấy, từ sáng đến trưa, mặt cô ấy cứ sưng lên, không nói không rằng", anh kể. Nghĩ ngày 8/3 hay 20/10 là ngày tôn vinh phụ nữ mà để vợ buồn, không đành lòng, anh chồng thay vì trải thảm ngủ trưa ở công ty lại chạy xe đến shop thời trang chọn mua một túi xách làm quà.
Năm nào cũng vậy, khoảng tháng 2 đến tháng 4 là thời điểm căng thẳng của Thành khi phải lo quà cáp cho vợ vì không chỉ có Lễ Tình nhân 14/2, 8/3 mà còn có sinh nhật chị. Vợ không nhận tiền, chỉ nhận hiện vật, món quà trước không được giống quà sau là thách thức với anh chồng không ưa tiểu tiết.
"Nhiều bữa sát lễ rồi mà vẫn chưa biết mua gì đúng ý, rối như canh hẹ, tôi phải cầu cứu em vợ, đồng nghiệp nữ", anh nói.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Thành, ở TP HCM, anh Ngọc Đức, 32 tuổi cũng "lo sốt vó" mỗi dịp lễ trong năm. "Giữa năm thì dễ thở chứ từ khoảng tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau là nhà tôi dồn dập dịp kỷ niệm", anh than.
Những ngày kỷ niệm lớn như 20/10, ngày 8/3 khắp nơi rầm rộ tổ chức nên anh Đức không quên, nhưng các ngày yêu nhau, ngày cưới, bận với công việc, nhiều khi anh không nhớ.
Chị Hồng Hạnh cũng nói bóng gió, kể chuyện chồng bạn tặng nhẫn vàng, túi xách, vòng tay đắt tiền, đưa đi ăn nhà hàng. "Cô ấy bảo 'thấy chồng người ta mà ham, còn chồng mình chỉ muốn kêu công an bắt', nghe muốn quạu luôn", anh kể.
Chẳng may quên quà, ngày vợ kiếm cớ gây chuyện. Đêm vợ ôm gối thút thít, càng dỗ càng khóc. Để yên ổn, những năm sau anh cài nhắc nhở trong điện thoại trước cả tuần.
Tiêu chí của vợ anh Đức là quà phải bất ngờ và hữu dụng nên anh phải ôm máy tính cả giờ đồng hồ để ngắm nghía các món trước, rồi chạy đến xem trực tiếp trước khi chọn mua.
Căng thẳng vì liên tục phải tặng quà cho vợ, nhưng đặt lên bàn cân, anh vẫn thấy thà mệt vì chọn quà còn hơn mệt vì vợ giận nên cố chiều cô cho cửa nhà êm ấm.
"Ở Việt Nam có quá nhiều ngày lễ mà đàn ông chúng tôi cứ bị mặc định phải tặng quà cho vợ, cho bạn gái", anh nói.
Quan điểm của anh Đức trùng với ý kiến của 65% độc giả tham gia khảo sát của VnExpress. Họ cảm thấy căng thẳng và phiền phức khi phải mua quà vào những dịp như vậy. Trong khi đó, hơn một nửa trong số hơn 4.500 người cho rằng những dịp như 8/3 ngày càng hình thức và chạy theo vật chất, theo một khảo sát khác.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình cho rằng ngày nay mạng xã hội phát triển nên nhiều người thường khoe hoa, khoe quà được chồng, bạn trai tặng lên mạng xã hội. Những người khác không có sẽ thấy chạnh lòng, tủi thân, hờn trách.
Nam giới Việt Nam có cách thể hiện tình cảm lãng mạn khác đàn ông phương Tây, không phải ai cũng có thói quen tặng quà nên nếu áp đặt sẽ gây áp lực với họ. Trong khi đó, phụ nữ chờ đợi được tặng mà không có sẽ thất vọng. Cả hai chẳng những không đem lại hạnh phúc, niềm vui cho nhau trong dịp lễ mà còn tạo nhiều mâu thuẫn không nên có.
"Đàn ông cũng không phải những người tỉ mỉ, chi tiết như phụ nữ. Nhiều người suy nghĩ đơn giản hoặc thấy quà cáp quá xa xỉ với thu nhập, thành giả tạo, vớ vẩn nên sẽ không muốn mua hoặc có mua cũng không phải vì muốn vậy", bà Tâm lý giải.
Ngược lại, nam giới muốn vợ được "bằng bạn bằng bè" hoặc chứng tỏ mình là người có thể chăm chút cho vợ con nên không bị ép cũng mua quà, dẫn đến tự gây căng thẳng cho mình.
Chị Hoàng Lệ Hằng, 32 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, dịp Valentine năm ngoái, chồng chị đột nhiên đòi chở vợ đi mua một chiếc dây chuyền kim cương, giá hơn 40 triệu đồng. Được ông chồng vốn tính tiết kiệm mua quà cho, chị Lệ Hằng chột dạ, nhất định không chịu nhận. "Mua xong mất giá ngay, lãng phí không phải kiểu", chị nói rồi bỏ ra cửa, quay lại đã thấy chồng đang làm thủ tục thanh toán. Anh cũng chụp hóa đơn, gửi cho nhóm bạn để khoe.
Đọc tin nhắn của chồng, chị Lệ Hằng mới biết cánh đàn ông thách thức nhau xem ai mua được quà to cho vợ. Tối đó, họ đăng lên mạng xã hội để mọi người khen ngợi vì tâm lý, biết chiều chuộng vợ.
"Mình chỉ là cái cớ để ông ấy phô trương năng lực kiếm tiền", Hằng nói. Vợ chồng chị đều buôn bán tự do, vẫn đang dồn tiền để mua nhà. Tiền chồng lấy mua vòng cho vợ là tiền dự định để nhập hàng, chỉ vài ngày nữa phải dùng đến. Để đắp vào khoản thiếu, anh chồng lại phải vay mượn.
Thế nhưng những dịp lễ, kỷ niệm nào sau đó anh cũng phải mua một món đắt tiền làm quà cho vợ, rồi đăng lên mạng xã hội. "Nhiều khi bạn bè chửi tôi là điên, được chồng tặng quà to mà kêu chẳng sướng. Nhưng sướng gì khi bình thường mắng vợ như tát nước, ngày lễ lại vay tiền mua quà to chỉ để phô trương với người đời", chị kể.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia từng cho rằng quà cáp hay lễ nghi, mọi thứ cần xuất phát từ tình cảm. Nếu sự quan tâm dành cho nhau vốn không nhiều, chỉ là theo phong trào hay đại khái cho xong để rồi sau đó mọi thứ lại đi vào guồng quay cũ, chồng vui với niềm vui riêng của bản thân, vợ cặm cụi những trách nhiệm gia đình trên vai thì phụ nữ chẳng bao giờ muốn mình được tung hô trong ngày lễ.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, có 5 ngôn ngữ tình yêu để người bạn đời bày tỏ tình cảm, quà cáp chỉ là một trong số đó (lời ngọt ngào, hành vi phục vụ, quà tặng, dành thời gian chất lượng bên nhau, hành động thân mật). Vì vậy, anh Trần Thành mang tiền về cho vợ là thứ ngôn ngữ tình yêu của anh.
"Kiếm tiền đâu có dễ, người ta phải lao ra ngoài, đổ trí tuệ, sức lao động mới có được thành quả. Họ tặng nó cho vợ là thể hiện sự trân trọng, nhưng vợ lại như dội gáo nước lạnh vào chồng", bà phân tích.
Chuyên gia khuyên những nam giới đang căng thẳng vì chuyện quà cáp nên ngồi xuống nói chuyện, khẳng định tình cảm và thống nhất về cách thể hiện tình yêu với bạn đời. "Hãy tâm sự với cô ấy, là vợ chồng nên sống thực tế, đừng quá mơ mộng viễn vông. Quà không tặng lúc này có thể tặng vào dịp khác và chăm sóc, hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống hàng ngày đã là cách thể hiện yêu thương", bà Tâm nói.
Bà cũng khuyên nam giới nên quan tâm đến người bạn đời, không chỉ vào dịp lễ. Người chồng cần trách nhiệm, yêu thương vợ con. Đàn ông có thể mua quà cho vợ vào bất cứ ngày nào, đổ xăng giúp cô ấy hay về sớm nấu bữa tối cho gia đình và không nói những lời tổn thương vợ cũng là yêu. "Những người vợ tinh tế đều sẽ nhận ra dấu hiệu của yêu thương từ đó", bà nói.
Anh Trần Thành cho biết, những hành động yêu thương ngày nào anh cũng thể hiện với vợ: phụ cô việc nhà, nói lời có cánh, nấu một bữa cơm ngon nếu đi làm về sớm.
"Nhưng nó như là một ngoại ngữ mà cô ấy không muốn hiểu. Với vợ tôi, quà mới là chân ái, mới là 'ngôn ngữ tình yêu'", anh nói.
T.H (tổng hợp)