Giáo dục

Nở rộ kỳ thi riêng vào đại học, áp lực và tốn kém cho thí sinh?

TB (theo VTC) 19/03/2024 10:27

Nhiều người lo ngại việc diễn ra quá nhiều kỳ thi riêng trong tuyển sinh đại học có thể kéo theo các hệ lụy.

Nở rộ kỳ thi riêng khiến thí sinh vừa áp lực ôn tập vừa phát sinh nhiều chi phí (Ảnh minh hoạ)
Nở rộ kỳ thi riêng khiến thí sinh vừa áp lực ôn tập vừa phát sinh nhiều chi phí (Ảnh minh hoạ)

Những năm gần đây, đề án tuyển sinh của các trường đại học được đánh giá khá đa dạng với các phương thức như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét chứng chỉ quốc tế… Trong đó, việc tổ chức kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển được coi là phương thức độc lập, trở thành xu hướng khi ngày càng có nhiều trường tổ chức.

Theo cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên Trường THPT chuyên Thái Bình, việc có thêm nhiều kỳ thi riêng độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh thêm cơ hội vào đại học, nhưng cũng dễ dẫn đến việc ôn thi bị phân tán, chất lượng giảm sút.

“Ưu điểm của các kỳ thi riêng là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển, đồng thời giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn trường. Hầu hết học sinh lớp 12 hiện nay đều đăng ký dự thi các kỳ thi này, có em đăng ký tới 3 - 4 kỳ", cô Lĩnh nói và lo lắng việc các em lựa chọn quá nhiều kỳ thi cùng lúc vừa gây áp lực tinh thần, vừa phát sinh thêm chi phí thi cử.

Đồng quan điểm, cô Phan Thị Bên, giáo viên Trường THPT Hồng Đức (Đắk Lắk) bày tỏ, việc nở rộ kỳ thi riêng tạo nhiều áp lực cho cả thầy và trò. Học sinh "gồng mình" ôn thi trong khi thầy cô phải liên tục cập nhật kiến thức, yêu cầu mới nhất của các kỳ thi để tự nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời định hướng cho học sinh.

“Đề thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy không dễ, thậm chí được cho là khó hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT nên không phải học sinh nào cũng có thể đáp ứng được. Năm nay tôi thấy các trường đại học tổ chức điểm thi trên địa bàn một số tỉnh, nhưng thường ở các thành phố lớn. Vô hình trung lại khiến các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó có cơ hội tiếp cận”, cô Bên nói.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lo ngại, khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây.

Trích dẫn lại tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, cần phải hướng đến một kỳ thi chung gọn nhẹ, giảm phiền hà cho người học và cho phụ huynh.

Nếu ngày càng có nhiều kỳ thi riêng được tổ chức, tức là đang đi ngược lại tinh thần của nghị quyết. Để chấn chỉnh vấn đề này, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có ý kiến và quyết định mạnh mẽ hơn.

“Luật Giáo dục đại học không cấm các trường tự chủ phương án tuyển sinh, tức là không cấm các trường tổ chức những kỳ thi tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, nếu các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng, phải chứng minh được là kỳ thi đó được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn kết quả thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức", TS Lê Viết Khuyến nói.

Nở rộ kỳ thi riêng vào đại học, áp lực và tốn kém cho thí sinh? - 2

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phương thức tuyển sinh riêng đã có nhiều trường trên thế giới giới áp dụng, nhưng phương thức này phù hợp với điều kiện, hệ thống quản lý giáo dục của quốc gia đó, trong khi tại Việt Nam chưa bảo đảm.

TS Lê Viết Khuyến lấy ví dụ, đề thi của các kỳ thi riêng hiện thường mang tính tổng hợp, kiến thức trải rộng từ lớp 10 đến 12 và được coi là bài kiểm tra cơ bản để đánh giá năng lực của thí sinh toàn diện hơn. Để đạt được điều này, các chuyên gia ra đề phải thực sự am tường về đo lường, đánh giá trong giáo dục. Trên thực tế tại nhiều trường đại học, chúng ta lại đang rất hiếm và thiếu những chuyên gia như vậy.

"Công tác tổ chức kỳ thi không phải đơn giản, nếu các trường cứ đua nhau tổ chức kỳ thi riêng trong khi chất lượng chưa chắc bảo đảm chỉ tạo thêm gánh nặng thêm cho thí sinh", TS Khuyến nói và cho rằng, việc có quá nhiều các kỳ thi sẽ dễ gây lãng phí, tốn kém, tâm lý của thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng do muốn "ôm đồm" nhiều kỳ thi nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.

Năm 2024, ngoài các kỳ thi riêng có quy mô lớn, được nhiều trường đại học làm căn cứ để xét tuyển như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá tuyển sinh công an nhân dân của Bộ Công an; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, còn xuất hiện thêm một số kỳ thi riêng của Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Việt Đức, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính Marketing.

TB (theo VTC)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nở rộ kỳ thi riêng vào đại học, áp lực và tốn kém cho thí sinh?