Giáo dục

Khảo sát chất lượng môn tiếng Anh ở Thanh Miện có khiến học sinh tiểu học bị áp lực?

ĐQ 08/04/2024 16:00

Báo Hải Dương nhận được phản ánh của phụ huynh ở huyện Thanh Miện phản ánh việc khảo sát chéo môn tiếng Anh giữa các trường tiểu học trong huyện đang tạo áp lực lớn cho cả giáo viên, học sinh.

img_9555.jpeg
Đa số học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện được khảo sát cho rằng không cảm thấy áp lực khi học môn tiếng Anh

Theo phụ huynh này, mỗi ngày các cô giáo giao nhiều đề kiểm tra nên con chị rất sợ, các cháu không được nghỉ giải lao vì các cô dạy xuyên cả giờ ra chơi. Phụ huynh nhiều lần ý kiến với các cô và các cô trả lời “chúng cháu cũng áp lực do cấp trên bắt khảo sát chéo giữa các trường trong huyện”.

Phóng viên đã làm việc với một nhóm khoảng 10 phụ huynh ở thị trấn Thanh Miện, các xã Cao Thắng, Chi Lăng Nam, Chi Lăng Bắc; Ban Giám hiệu các trường tiểu học ở những địa phương này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Theo phản ánh của anh L.V.C. có con đang học lớp 5 ở Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện, tiếng Anh là môn học khó nên có nhiều em học chưa tốt, làm bài tập về nhà cũng gặp khó khăn vì bố mẹ, ông bà không hướng dẫn được. Môn học khó đồng nghĩa phải học nhiều nên đôi lúc con nhỏ khó chịu, chống đối. Tuy nhiên, mỗi tuần con anh C. chỉ học 4 tiết tiếng Anh. Ngoài bài tập trên lớp, thi thoảng cô giáo có giao thêm bài về nhà nhưng cháu chỉ làm chừng 15 phút là xong.

Một phụ huynh có cháu học lớp 3 ở xã Chi Lăng Bắc cho biết, do ông bà đều lớn tuổi, bố mẹ các cháu đi làm ăn xa nên không có người kèm tiếng Anh cho các cháu. Việc học đều phụ thuộc vào các cô trên lớp. Phần lớn trong số những phụ huynh chúng tôi khảo sát đều khuyến khích giáo viên sát sao, nhắc nhở con trong học tập và không có ý kiến về vấn đề giảng dạy môn tiếng Anh ở trường.

Tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện, phóng viên đã khảo sát học sinh ở các lớp 3B và 5A. Đa số các em tỏ ra thích thú với môn học này và cho biết học tiếng Anh không khó, việc tiếp thu kiến thức trên lớp khá dễ dàng. Bài tập về nhà đều nằm trong sách giáo khoa. Riêng khối 5, thỉnh thoảng thầy cô có giao thêm đề về nhà.

Bà Vũ Thị Hoài Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện cho biết nhà trường kiểm tra chất lượng dạy và học của các lớp theo hình thức dự giờ và khảo sát miệng ngẫu nhiên. Việc giao bài tập về nhà đều dựa theo sách giáo khoa. Trường cũng chưa tổ chức một buổi khảo sát chéo nào trong năm học 2023-2024.

Liên quan đến thông tin giáo viên gây áp lực về học tập và la mắng các em học sinh, bà Hương cho biết nhà trường chưa nhận được phản ánh nào từ phụ huynh.

Tại 2 trường Tiểu học: Chi Lăng Nam và Cao Thắng, từ đầu năm đến nay chưa tổ chức một buổi khảo sát chéo nào. Từ năm học 2022-2023, khi bước vào năm học mới, các trường THCS chỉ tổ chức khảo sát chất lượng đầu vào (lớp 5 lên lớp 6) và có tổ chức chấm chéo để bảo đảm tính khách quan. Trong năm học, định kỳ hằng tuần và hằng tháng, giáo viên bộ môn tiếng Anh tổ chức kiểm tra cho các em học sinh khối 3, 4 và 5. Điểm số được gửi về cho phụ huynh.

Bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện khẳng định huyện chưa tổ chức khảo sát chéo chất lượng môn tiếng Anh cấp tiểu học. Ngày 29/10/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng môn tiếng Anh và môn tin học do đây là 2 môn học bắt buộc (lớp 3 và 4). Năm học 2023-2024, phòng dự kiến sẽ kết hợp với các trường tiểu học tổ chức kiểm tra, khảo sát chất lượng môn tiếng Anh. Đối tượng khảo sát là một số học sinh của một số lớp cấp tiểu học. Phòng sẽ ra 1 đề chung theo 3 kỹ năng nghe, đọc, viết bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu trưởng chỉ đạo khảo sát, có sự giám sát của trường khác. Thời gian dự kiến tổ chức khảo sát cuối kỳ 2 năm học 2023-2024 (hiện vẫn chưa thực hiện).

Kết quả khảo sát chất lượng không dùng để đánh giá xếp loại học sinh và không tham gia đánh giá xếp loại thi đua tập thể, cá nhân. Kết quả này chỉ để cơ quan chuyên môn đánh giá lại chất lượng giáo dục đại trà của huyện, nhất là môn tiếng Anh (do nhiều năm chất lượng môn tiếng Anh đại trà của huyện chưa tốt).

Trong kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng yêu cầu các trường thực hiện đánh giá định kỳ nhẹ nhàng, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và không tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh. Đề kiểm tra định kỳ phải bao gồm đủ các kỹ năng và mức độ nhận thức của câu hỏi phù hợp với việc dạy và học của giáo viên và học sinh... Những nội dung trong kế hoạch này cơ bản bám sát hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Như vậy, việc phụ huynh bức xúc về kiểm tra “chéo”, cho rằng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không có thẩm quyền ban hành kế hoạch này là không có cơ sở. Về ý kiến giao quá nhiều đề kiểm tra môn tiếng Anh trong một ngày cũng chỉ là số ít. Việc bố trí thời khóa biểu 4 tiết tiếng Anh/tuần ở cấp tiểu học, kiểm tra, khảo sát chất lượng giáo dục là phù hợp, đúng hướng dẫn.

Tuy nhiên qua đây cũng cho thấy việc dạy và học tiếng Anh ở các trường vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng chưa cao. Các trường nên tổ chức việc dạy và học khoa học hơn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu phù hợp; tạo không khí thân thiện, cởi mở.

ĐQ
(0) Bình luận
Khảo sát chất lượng môn tiếng Anh ở Thanh Miện có khiến học sinh tiểu học bị áp lực?