Hàng loạt cuộc gặp Thượng đỉnh với cả đồng minh và địch thủ trong những ngày tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden liệu có thể hóa giải bất đồng giữa các bên?
Nước Mỹ trở lại
Tổng thống Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tuần tới nhằm gặp các đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chương trình nghị sự với các cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ chứng kiến Tổng thống Biden vẫy lá cờ đoàn kết phương Tây trong một thời điểm mà ông coi là "bước ngoặt".
"Đây là câu hỏi định nghĩa thời đại của chúng ta. Liệu các liên minh và các thể chế dân chủ đóng vai trò định hình thế kỷ trước có thể chứng minh khả năng của họ trước những mối đe dọa và những địch thủ hiện nay hay không? Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này ở châu Âu, chúng ta sẽ có cơ hội chứng minh điều đó", Tổng thống Biden nhận định trong một bài viết trên Washington Post trước thềm chuyến công du.
Bình luận của Tổng thống Biden đánh dấu sự quay lại quan điểm truyền thống của Mỹ sau 4 năm biến động dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Tổng thống Biden sẽ gặp lãnh đạo các nước đối tác G7 như Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản từ 11 - 13/6 tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở Tây Nam nước Anh, sau đó sẽ thăm Nữ hoàng Elizabeth ở Lâu đài Windsor.
Ngay từ lịch trình của Tổng thống Biden trong chuyến công du lần này đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Putin: Đó là ông Biden sẽ đại diện cho một liên minh dân chủ chứ không chỉ nước Mỹ.
"Tổng thống sẽ tới cuộc gặp này với một tâm thế thoải mái trong hoàn cảnh thuận lợi", Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhận định.
Cựu Tổng thống Trump từng cho rằng Mỹ không thể trở thành "cảnh sát của thế giới", một lập trường theo chủ nghĩa biệt lập được những cử tri của ông ủng hộ.
Tuy nhiên, khi thế giới phải đối phó với đại dịch Covid-19, Tổng thống Biden đã xác định vị trí của Mỹ như một thành viên quan trọng nhất trong việc chia sẻ vaccine và đảm bảo khôi phục kinh tế. Ông cũng nối lại các cuộc đàm phán với Iran và khẳng định vị thế lãnh đạo trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu của hành tinh.
"Nước Mỹ trở lại" trở thành "châm ngôn" của ông Biden, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì nhận định với Axios rằng, chính Trung Quốc mới là nước gây ra sự "hỗn loạn" cho thế giới
Liên minh “vì lợi ích” chứ không phải “vô điều kiện”
Chưa hết ngỡ ngàng trong 4 năm ông Trump làm Tổng thống, các đối tác châu Âu hiện vẫn để ý tới những cam kết của ông Biden với thái độ hoài nghi.
Tháng trước, cây cầu xuyên Đại Tây Dương đã có sự rạn nứt khi Washington phủ quyết nỗ lực của Pháp tại Liên Hợp Quốc nhằm yêu cầu lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza. Những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm chia sẻ vaccine với thế giới cũng chỉ mới diễn ra sau khi Washington vấp phải sự chỉ trích trong một thời gian dài vì đã tích trữ vaccine Covid-19.
Rõ ràng, các đối tác châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm sau sự thay đổi mạnh mẽ về tông giọng giữa chính quyền Mỹ mới và chính quyền cựu Tổng thống Trump - người cho rằng các đồng minh lâu năm của Mỹ là những mối đe dọa về an ninh quốc gia, đặt câu hỏi về vai trò của NATO và bác bỏ những bằng chứng khoa học về sự ấm lên toàn cầu.
Tuy nhiên, những nội dung trong cuộc chiến thương mại của ông Trump vẫn được giữ nguyên trong khi chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế trong đại dịch Covid-19 đối với việc đi lại của công dân châu Âu vào Mỹ, thậm chí cả khi châu lục này đang hối thúc việc mở cửa đón một lượng lớn du khách Mỹ.
Các chuyên gia đã chỉ ra một thực tế rằng, việc Tổng thống Biden vẫn chưa đề cử bất kỳ đại sứ nào tới NATO hay Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels là dấu hiệu cho thấy sự thiếu quan tâm của Mỹ với châu Âu. Các nhà quan sát châu Âu cũng nhận ra điều này dù cho Tổng thống Biden có những tuyên bố thân thiện tới đâu ở London và Brussels, rằng Mỹ ngày càng coi châu Âu là đối tác thứ yếu trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
"Đằng sau những cuộc gặp Thượng đỉnh và các động thái ngoại giao, những hành động ban đầu của chính quyền Tổng thống Biden cho thấy họ không tin tưởng châu Âu có vai trò thiết yếu trong cuộc đấu địa chính trị mới này", nhà quan sát Jeremy Shapiro nhận định trên Politico.
"Giải thích một cách lạc quan thì Tổng thống Biden đang khởi động một mối quan hệ mới, thể hiện niềm tin vào Brussels và NATO nhằm nâng cấp liên minh xuyên Đại Tây Dương trong thế kỷ 21", nhà quan sát Jana Puglierin, giám đốc Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Berlin, Đức nhận định với New York Times.
"Tuy nhiên ông Biden cũng muốn một mối quan hệ có đi có lại và cần thể hiện những kết quả thực tế. Đây không phải tình yêu vô điều kiện mà là tình bạn có chung lợi ích", chuyên gia này đánh giá.
Một cuộc nghiên cứu mới đây về thái độ của châu Âu được công bố ngày 7/6 của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ cho thấy niềm tin hạn chế vào sự lãnh đạo của Washington. Chỉ 51% những người Đức được hỏi coi Mỹ là một đối tác "đáng tin".
Thượng đỉnh Nga – Mỹ: Cuộc gặp “vì những khác biệt”
Trong khi đó, về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga, Ngoại trưởng Blinken cho biết mục tiêu của Nhà Trắng với điện Kremlin không vượt ngoài việc đưa mối quan hệ này trở nên "ổn định hơn".
Nhà Trắng coi việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START hồi tháng 2 là một minh chứng cho thấy nỗ lực trên có thể hoàn thành. Ông Biden cũng cần Nga để thúc đẩy những tiến triển trong quá trình đàm phán với Iran, vốn cũng là một quốc gia thân thiết với điện Kremlin.
Dù vậy, những bất đồng giữa Nga và Mỹ vẫn là một danh sách dài. Tổng thống Biden đã đổ lỗi cho Nga về cuộc tấn công mạng SolarWinds, can thiệp bầu cử, đồng thời gây sức ép về việc Moscow tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine, vụ bắt giữ thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny hay sự ủng hộ của Nga với Tổng thống Alexander Lukashenko sau vụ Belarus buộc một máy bay của hãng hàng không Ryanair phải hạ cánh ở thủ đô Minsk để bắt giữ một nhân vật đối lập.
Ông Sullivan cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Putin vẫn được thúc đẩy "không phải bất chấp những khác biệt của chúng tôi" mà là "vì những khác biệt của chúng tôi".
Theo VOV