Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ hành động ngay lập tức để "đóng cửa" biên giới Mỹ-Mexico nếu Quốc hội thông qua đề xuất đang được đàm phán tại Thượng viện, trong đó có gói hơn 60 tỉ USD viện trợ cho Ukraine.
Trong một tuyên bố vào tối 26/1 (theo giờ địa phương), ông Biden cho biết những gì đang được đàm phán tại Thượng viện sẽ là “một loạt cải cách cứng rắn và công bằng nhất để đảm bảo an ninh biên giới mà chúng ta từng có ở đất nước mình”.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đề xuất này sẽ bao gồm quyền mới của tổng thống để "đóng cửa biên giới khi nơi này trở nên quá tải". “Và nếu được trao quyền đó, tôi sẽ sử dụng nó vào ngày tôi ký dự luật thành luật”, ông Biden nói.
Tuyên bố của ông Biden là nỗ lực nhằm cứu vãn một thỏa thuận biên giới của lưỡng đảng - vốn gắn kèm những cải cách về nhập cư với điều kiện viện trợ cho Ukraine và Israel - đang trên bờ vực sụp đổ sau khi Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, nghị sĩ Cộng hoà Mitch McConnell thừa nhận riêng với các thượng nghị sĩ cùng đảng khác trong tuần này rằng sự phản đối từ cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa năm 2024 - đang đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Tổng thống Biden thời gian qua đã tìm cách thúc đẩy quốc hội phê duyệt thoả thuận về gói chi tiêu bổ sung trị giá 110 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ tới nay chưa thông qua đề xuất vì cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang ưu tiên hỗ trợ cho Ukraine hơn là giải quyết các vấn đề trong nước như an ninh tại khu vực biên giới.
Sự sụp đổ của một thỏa thuận biên giới lưỡng đảng sẽ khiến Tổng thống Biden không có cơ hội giành chiến thắng trong việc giải quyết tình trạng di cư gia tăng ở biên giới phía nam - một chủ đề mà đảng Cộng hòa đã dồn ép ông trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Gần đây, đối thủ chính trị của ông, Donald Trump đã nhắc lại sự phản đối với thỏa thuận biên giới trong một bài đăng sáng 27/1 trên mạng xã hội Truth Social của ông. "Một THỎA THUẬN BIÊN GIỚI còn tệ hơn nhiều so với KHÔNG CÓ THỎA THUẬN BIÊN GIỚI!", ông Trump viết.
Trong một đánh giá thẳng thắn vào tuần trước, Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng biên giới phía nam nước Mỹ không an toàn trong bối cảnh lượng người di cư tăng kỷ lục, đồng thời kêu gọi “những thay đổi chính sách quan trọng” với hệ thống tị nạn và các cơ quan hành pháp để kiểm soát biên giới.
Theo gói đề xuất được thảo luận tại Thượng viện, Bộ An ninh Nội địa sẽ được cấp quyền đóng cửa biên giới khi những người di cư tìm cách vượt qua mà không có sự cho phép, vượt quá mức trung bình hàng ngày là 4.000 trong khoảng thời gian một tuần. Một số người di cư sẽ được phép ở lại Mỹ theo đề xuất nếu họ đang chạy trốn sự tra tấn hoặc đàn áp ở nước họ.
“Đảm bảo biên giới thông qua các cuộc đàm phán này là một chiến thắng cho nước Mỹ”, ông Biden nói trong tuyên bố hôm 26/1. "Đối với tất cả những ai đang yêu cầu kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, đây là cách để thực hiện. Nếu các bạn nghiêm túc về cuộc khủng hoảng biên giới, hãy thông qua dự luật lưỡng đảng và tôi sẽ ký”, vị tổng thống của đảng Dân chủ tuyên bố.
Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được thỏa thuận tại Thượng viện, bất kỳ đề xuất nào cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người cho biết ông thường xuyên nói chuyện với ông Trump về các cuộc đàm phán biên giới, đã cảnh báo trong một lá thư cùng ngày 26/1 rằng thỏa thuận nhập cư và biên giới lưỡng đảng của Thượng viện có thể “chết khi đến” Hạ viện. Và vào 27/1, ông Johnson đã đưa ra một tuyên bố lập luận rằng Tổng thống Biden có thể ngăn chặn tình trạng di cư mà không cần sự giúp đỡ của Quốc hội: “Ông Biden có thể và phải thực hiện hành động hành pháp ngay lập tức để đảo ngược thảm họa mà ông ấy đã tạo ra”.
Ông Johnson nhắc lại Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát nên áp dụng dự luật chính sách nhập cư và biên giới cứng rắn, nghiêm ngặt của Hạ viện được thông qua vào năm ngoái, được gọi là H.R. 2. Ông cho biết biện pháp này đã “bao gồm những cải cách lập pháp cốt lõi cần thiết để thực sự buộc chính quyền Biden để giải quyết thảm họa biên giới.”
Trong khi đó, quỹ viện trợ quân sự cho Ukraine theo cơ chế ủy quyền của tổng thống đã cạn do quốc hội Mỹ chưa thông qua khoản mới.
"Chúng tôi đã trao cho Ukraine gói hỗ trợ an ninh cuối cùng khi còn đủ kinh phí để thực hiện ngay sau Giáng sinh, trước thềm năm mới 2024. Chúng tôi cần phải được quốc hội đồng ý để tiếp tục thực hiện điều này", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo hôm 3/1.
Gói viện trợ cuối cùng của Mỹ cho Ukraine trong năm 2023 theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA) có trị giá 250 triệu USD, bao gồm đạn và các thiết bị cho tổ hợp phòng không, rocket cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo 105 và 155 mm, đạn chống tăng và hơn 15 triệu viên đạn súng bộ binh.
Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA) là đạo luật cho phép chính phủ Mỹ linh động chuyển giao một số nguồn lực và thiết bị quốc phòng tồn kho cho đối tác trong tình huống khẩn cấp, không cần chờ quốc hội chấp thuận. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần sử dụng PDA để viện trợ quân sự cho Ukraine.
T.H (theo báo Tin tức)