Ngày 10/5, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Nhà Trắng sắp công bố loạt chính sách thuế mới nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều khả năng thổi bùng lại ngọn lửa thương chiến Mỹ - Trung vốn đã âm ỉ nhiều năm qua.
Theo báo Wall Street Journal, một trong những điểm nổi bật của chính sách thuế mới này là việc tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc, cũng như tăng mạnh mức thuế quan đối với nhiều ngành hàng chiến lược. Các chính sách này dự kiến được công bố sớm nhất vào ngày 14/5.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin khẳng định trọng tâm trong chính sách thuế mới của Mỹ là các ngành hàng cạnh tranh chiến lược, hoặc gắn bó chặt chẽ với an ninh quốc gia như khoáng sản quan trọng, thiết bị sản xuất điện mặt trời, pin...
Đặc biệt giới chức Mỹ dồn nhiều chú ý vào lĩnh vực xe điện. Các nguồn tin khẳng định Nhà Trắng sẽ nâng thuế nhập khẩu xe điện từ mức 25% hiện hành lên 100%. Không dừng ở đó, Mỹ còn áp thêm khoản thuế 2,5% với toàn bộ xe cộ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thực tế mức thuế 25% hiện tại đã được xem là quá cao, khiến sự hiện diện của xe điện Trung Quốc tại Mỹ đến nay vẫn gần như bằng 0. Do đó nếu có việc tăng thuế lên 100% rõ ràng là ý định ngăn cản mọi chiếc xe điện Trung Quốc lăn bánh trên đường phố xứ cờ hoa.
Về bản chất, chuỗi chính sách thuế sắp được công bố là kết quả của quá trình xét lại toàn bộ các khoản thuế nhập khẩu áp lên hàng hóa Trung Quốc do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ban hành. Quá trình này bắt đầu từ năm 2022 và đến nay mới hoàn thành.
Sở dĩ kéo dài như thế là do bất đồng quan điểm trong nội bộ, giữa các nhà cố vấn kinh tế của ông Biden. Một mặt các quan chức thương mại ủng hộ việc tăng thuế nhằm hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc, nhưng mặt khác Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và nhiều người lại đề nghị chỉ tăng thuế ngành hàng chiến lược và giảm thuế với hàng tiêu dùng để giúp các hộ gia đình bớt tốn kém.
Trong khi giới chức Mỹ còn lưỡng lự, Bắc Kinh đã đẩy mạnh nền công nghiệp sản xuất với hy vọng xuất khẩu giúp vực dậy kinh tế, và điều này đã thôi thúc giới chức Mỹ quyết đoán hơn. Trước bối cảnh các hãng xe ở châu Âu loay hoay đối phó với làn sóng xe điện Trung Quốc, Washington càng thấy cần phải nhanh tay hơn để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước.
Ngay cả Elon Musk - ông chủ hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla - cũng phải thừa nhận các hãng xe Trung Quốc đang là những người chơi "cạnh tranh nhất" thế giới.
Trong buổi họp báo cáo doanh thu Tesla hồi tháng 1, ông Musk nói: "Nếu không thiết lập các hàng rào thương mại, họ có thể sẽ nghiền nát hầu như mọi đối thủ trên thế giới".
Thông tin Mỹ sắp tăng thuế với hàng Trung Quốc khiến không ít bên lo ngại thương chiến Mỹ - Trung, cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới một lần nữa tăng nhiệt. "Mùi thuốc súng" bắt đầu thoang thoảng trong phòng họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 10/5 khi người phát ngôn Lâm Kiếm chỉ trích động thái sắp tới của Washington: "Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và hủy bỏ mọi loại thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".
Trong vài năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tích cực chuẩn bị cho viễn cảnh này. Các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực thay thế máy móc, linh kiện bằng hàng nội địa hoặc nhập từ các quốc gia phát triển khác. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Nga, ASEAN và nhiều nước trong nhóm Nam bán cầu đã vượt qua giao thương giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu.
Ở chiều ngược lại, các tập đoàn hàng đầu của Mỹ và phương Tây như Apple, HP, Stellantis... cũng tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Hơn 1/3 số công ty Mỹ tham gia khảo sát của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung cho biết đã giảm hoặc ngừng kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2023.
Ông Noah Barkin, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn Rhodium Group, nhận định: "Thế giới đang chia tách thành các khối đối địch. Quá trình này đang tạo ra quán tính có thể tăng tốc theo thời gian và các chính phủ sẽ gặp khó trong việc kiểm soát nó".
Không ít chuyên gia lo ngại xu thế chia tách đó sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế thế giới. Tháng 10/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo nếu kinh tế thế giới phân cực thành hai phe, GDP toàn cầu có thể tổn thất đến 7%.
Bối cảnh chính trị là động lực để ông Biden đẩy nhanh các chính sách bảo hộ. Ông Trump - đối thủ trực tiếp của ông Biden - khẳng định sẽ cân nhắc áp mức thuế ít nhất là 60% với mọi hàng hóa Trung Quốc nếu đắc cử.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ cực kỳ ngán ngẩm việc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc, phát biểu của ông Trump không khác gì cơn mưa đầu mùa. Nếu không thể chứng minh bản thân cũng sẵn sàng mạnh tay với hàng hóa Trung Quốc như ông Trump, ông Biden rất có thể sẽ mất sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Do đó hồi tháng 4, khi đến bang Pennsylvania, ông Biden đã khẳng định sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu thép Trung Quốc "nhằm bảo vệ người lao động Mỹ và bảo đảm cạnh tranh công bằng".