Bình luận

Biểu tình phản chiến lan rộng khắp 50 đại học ở Mỹ

TN (Tổng hợp) 28/04/2024 10:03

Làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine và kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đang diễn ra tại ít nhất 50 đại học ở Mỹ.

Các sinh viên dựng lều trại trong cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại khuôn viên Đại học Columbia ở TP New York (Mỹ) hôm 26-4 - Ảnh: Reuters
Các sinh viên dựng lều trại trong cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại khuôn viên Đại học Columbia ở TP New York (Mỹ) hôm 26/4 - Ảnh: Reuters

Tính đến ngày 27/4 (giờ Việt Nam), các sinh viên đã dựng lều phản đối trong khuôn viên của ít nhất 50 trường đại học, cao đẳng ở Mỹ, từ các trường nổi tiếng trong nhóm Ivy League cho đến các trường công lập. Nhiều sinh viên cho biết sẽ không dừng việc biểu tình cho đến khi yêu cầu được đáp ứng.

Các sinh viên tại ĐH Columbia là những người đầu tiên cất tiếng nói phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza. Từ giữa tháng 4, họ đã dựng lều, kêu gọi lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza và yêu cầu trường đại học của mình thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí của Israel và Mỹ.

Trong khi ĐH Columbia vẫn là tâm điểm phong trào phản chiến của sinh viên, sự chú ý cũng lan sang khuôn viên các trường đại học khác, từ ĐH Nam California ở bang California đến ĐH Emory ở bang Georgia và Trường Emerson ở bang Massachusetts. Hôm 26/4, khoảng 200 người biểu tình đã tập trung tại ĐH George Washington, cách Nhà Trắng vài dãy nhà, mang theo áp phích "Trả tự do cho Palestine".

Ngoài ra sinh viên còn yêu cầu trường của họ minh bạch những khoản đầu tư, cắt đứt quan hệ học thuật với các trường đại học Israel, ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza... Theo Bộ Y tế ở Gaza, hơn 34.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài sáu tháng qua giữa Israel và Hamas.

Những cuộc biểu tình của sinh viên đã gây ra tranh luận sôi nổi trên khắp nước Mỹ về cách thức các trường đại học cho phép tự do ngôn luận nhưng vẫn giữ an toàn cho sinh viên và duy trì trật tự.

Một số trường đã chọn cách hợp tác với cảnh sát để ngăn chặn biểu tình, dẫn đến những cuộc đụng độ và bắt giữ. Hàng trăm người đã bị bắt vì từ chối dỡ lều trại và vi phạm nội quy trường. Theo Hãng tin Bloomberg, tính đến 17h ngày 26/4 (giờ miền đông ở Mỹ), gần 600 người biểu tình đã bị bắt tại các khuôn viên đại học. Cảnh các sinh viên, giáo sư bị cảnh sát bắt giữ đã gây ra sự phẫn nộ.

Trong khi đó, lãnh đạo một số trường đại học cũng đã đối mặt với nhiều chỉ trích. Bà Nemat Minouche Shafik - chủ tịch ĐH Columbia - đang bị nhiều sinh viên, giảng viên và các nhà quan sát bên ngoài phản đối kịch liệt vì đã cho cảnh sát New York vào khuôn viên trường hôm 18/4 để dỡ bỏ lều trại.

Cũng hôm đó, cảnh sát đã bắt hơn 100 người và dỡ bỏ những chiếc lều khỏi bãi cỏ chính trong khuôn viên trường ở Manhattan. Tuy nhiên, người biểu tình đã nhanh chóng quay lại và dựng lều lần nữa. Sau khi thất bại trong việc chấm dứt các cuộc biểu tình hai tuần trước, ban lãnh đạo ĐH Columbia đã chuyển sang đàm phán với sinh viên nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Tại bang Texas, ông Jay Hartzell - chủ tịch ĐH Texas ở TP Austin - đối mặt với phản ứng dữ dội tương tự từ các giảng viên hôm 26/4, hai ngày sau khi ông cùng với Thống đốc bang Greg Abbott kêu gọi cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine.

Hầu hết các cuộc biểu tình của sinh viên trên toàn nước Mỹ đã diễn ra một cách ôn hòa, nhưng người ta cho rằng một số yếu tố trong các cuộc biểu tình là "bài Do Thái" và bày tỏ lo ngại về những mối đe dọa với sinh viên Do Thái. Trong một số cuộc biểu tình đã xuất hiện những khẩu hiệu và áp phích chống Do Thái.

Hầu hết những người tổ chức biểu tình trên khắp nước Mỹ đều nhấn mạnh việc không được sử dụng bạo lực. Tuy nhiên những lo ngại về an toàn đã gia tăng ở các cơ sở giáo dục, dẫn đến việc nhiều nơi phải tổ chức các lớp học trực tuyến và hủy bỏ lễ tốt nghiệp. Tuần này ĐH Nam California thông báo hủy lễ tốt nghiệp dự kiến vào ngày 10/5.

Nhà xã hội học Mỹ Joan Donovan (Đại học Boston) lưu ý phong trào biểu tình cần hết sức cảnh giác với những kẻ kích động cực hữu đang cố gắng thâm nhập vào phong trào với mục tiêu phá hoại thông điệp ban đầu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden ủng hộ quyền tự do ngôn luận nhưng ông lên án "các cuộc biểu tình chống Do Thái" và nhấn mạnh khuôn viên các trường đại học của Mỹ cần được an toàn. Một số sinh viên Do Thái nói các cuộc biểu tình đã chuyển sang chủ nghĩa bài Do Thái và vì thế mà họ ngại đến trường lúc này.

Đến nay không biết chắc chắn khi nào các cuộc biểu tình trên sẽ kết thúc. Hôm 26-4, các sinh viên ĐH Columbia - những người truyền cảm hứng cho phong trào biểu tình phản đối chiến sự tại Gaza trên khắp nước Mỹ - cho biết họ gặp thế bế tắc với lãnh đạo nhà trường và có ý định tiếp tục dựng lều phản đối cho đến khi yêu cầu được đáp ứng.

Lan sang nước khác

Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và phản đối cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza cũng đã lan sang các trường đại học bên ngoài nước Mỹ, từ Pháp đến Úc. Tại Pháp, hôm 26/4 các sinh viên Viện Nghiên cứu chính trị Paris chiếm giữ một tòa nhà trung tâm trong khuôn viên, hô to các khẩu hiệu ủng hộ Palestine. Tại Úc, các sinh viên dựng lều ở ĐH Sydney yêu cầu trường cắt đứt quan hệ với các đại học và nhà sản xuất vũ khí của Israel.

TN (Tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biểu tình phản chiến lan rộng khắp 50 đại học ở Mỹ