[Audio] Ước mơ xuất ngoại lao động bị "đánh cắp"

25/04/2023 06:01

Mắc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động khiến nhiều người Hải Dương lo ngại không dám tìm cơ hội việc làm tốt ở nước ngoài.

00:00


Lao động Hải Dương tìm hiểu thông tin trước khi đăng ký thi tuyển tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng

Mong muốn đi xuất khẩu lao động để đổi đời nên không ít gia đình ở Hải Dương đã bị một số đối tượng lừa đảo.

Mất niềm tin

Đến bây giờ bà V.N.T.V. ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) không đủ kiên nhẫn, điều kiện cho con đi xuất khẩu lao động nữa mà ở nhà trồng cây cảnh. Gia đình bà V. đã phải bán một phần đất đi trả nợ và rất sợ lại bị lừa một lần nữa nếu tiếp tục tìm cách đi lao động nước ngoài.

Cuộc sống khó khăn, bà V. từng nuôi hy vọng đưa con trai lớn đi xuất khẩu lao động để gửi tiền về đỡ đần bố mẹ, nuôi em bệnh nặng và có vốn làm ăn. Nhưng bà nào ngờ, số tiền đặt cọc đưa con đi Hàn Quốc gần 200 triệu đồng vay mượn họ hàng, làng xóm đã không cánh mà bay theo những lời mồi chài của những kẻ lừa đảo.

“Họ khất lần, khất lượt, thậm chí gần đến Tết vừa rồi họ còn bảo gia đình liên hoan để vài ngày sau tiễn con đi nhưng tổ chức xong cũng chẳng thấy đâu. Số tiền đặt cọc cũng biến mất”, bà V. nói.

Giấc mộng xuất ngoại của con anh H.V.C. ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) cũng tan vỡ vì bị lừa đảo. Gia đình anh ngậm đắng mất hơn 100 triệu đồng tiền đặt cọc đi Australia.

Anh C. kể, một người họ hàng từ Australia về chơi nhân dịp giỗ tổ rồi nói chuyện về cuộc sống sung túc của những lao động ở đây. Họ bày tỏ muốn giúp những người con trong dòng họ cùng đi để đổi đời, làm giàu. Không ít gia đình đôn đáo chạy vạy tiền để đưa cho người đó nộp tiền đặt cọc. Tuy nhiên, đến nay sau gần nửa năm, hy vọng được đi Australia không còn vì người kia cũng biến mất cùng với số tiền đặt cọc của nhiều người.

"Bây giờ nhiều người trong họ hàng nhà tôi không ai muốn đi xuất khẩu lao động nữa vì lo mất tiền, thậm chí sợ sang nước ngoài rồi họ đem con bỏ chợ thì biết làm sao?", anh C. đặt câu hỏi.

Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo khá tinh vi, thành lập công ty với văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài uy tín. Gần đây, chúng còn tổ chức quảng cáo hình ảnh hoạt động của doanh nghiệp trên mạng xã hội, thậm chí thuê cả người vào bình luận để tạo lòng tin. Tại Hải Dương những năm qua, tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động vẫn diễn ra dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần. Không ít đối tượng lừa đảo bị bắt và trả giá nhưng vì ham đi nước ngoài nên nhiều người vẫn cả tin làm theo, mất tiền oan.

Những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động đã làm mất niềm tin của không ít người lao động, khiến việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình hợp tác chính thức của tỉnh và các doanh nghiệp uy tín bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì qua những vụ lừa đảo, nhiều người lao động có tâm lý đề phòng, không mạnh dạn đi nước ngoài làm việc nữa. 


Người dân nên chọn các đơn vị xuất khẩu lao động uy tín để đi nước ngoài. Ảnh minh họa

Phải tỉnh táo

Để không bị mất niềm tin vì "những con sâu bỏ rầu nồi canh" lừa đảo xuất khẩu lao động, người dân phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường lao động, các quy định pháp luật liên quan, cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

“Đầu năm tôi định cho con đi Hàn Quốc làm việc thời vụ vì mức chi phí khá thấp, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Sau khi tìm hiểu thì được biết cả nước mới có vài tỉnh có chương trình này. Hải Dương chưa ký kết với Hàn Quốc đưa lao động đi làm việc thời vụ nên tôi dừng làm thủ tục và đặt cọc tiền”, ông Nguyễn Văn Chính ở phường Long Xuyên (Kinh Môn) nói.

Ông Chính khẳng định nếu mù mờ thông tin về xuất khẩu lao động hoặc chỉ nghe bên đơn vị tư vấn thì rất dễ bị lừa đảo, cần tìm hiểu qua nhiều nguồn, thậm chí có thể đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để hỏi thêm. 

Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục, người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và người tuyển dụng cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Đặc biệt, người lao động có quyền yêu cầu phía tuyển dụng nêu cụ thể các khoản chi phí. Khi nộp tiền phải có hóa đơn chứng từ ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm. Thậm chí có thể nhờ bên thứ ba là chính quyền hoặc công an địa phương hỗ trợ xác nhận, kiểm chứng. 

Tại địa chỉ dolab.gov.vn của Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý lao động ngoài nước đang đăng tải những công ty liên quan đến hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài vi phạm, lừa đảo, trong đó có danh sách hơn 200 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép, người dân có thể truy cập kiểm tra.

Công tác tuyên truyền về các chính sách, chương trình đi làm việc ở nước ngoài cũng cần được thực hiện thường xuyên trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Khi người lao động lên UBND cấp xã xin chứng thực thủ tục đi nước ngoài, bộ phận chuyên môn cũng cần quan tâm hỏi han, hướng dẫn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, tránh để lao động bị mắc bẫy lừa đảo. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự thận trọng của mỗi người sẽ giúp cho giấc mơ xuất khẩu lao động không bị "đánh cắp".

BẢO ANH

(0) Bình luận
[Audio] Ước mơ xuất ngoại lao động bị "đánh cắp"