Không lơ là, chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

23/08/2018 16:02

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh ta không diễn biến phức tạp như cùng kỳ năm ngoái nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các ổ dịch.

 Người dân thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) phát quang bụi rậm, loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi

Nguy cơ thành dịch 

Đến ngày 21.8, toàn tỉnh có 2 trường hợp mắc SXH, trong đó 1 trường hợp có yếu tố mắc bệnh từ địa phương khác về và 1 trường hợp có yếu tố mắc bệnh nội địa.

Ngày 14.8, anh Vũ Đình T. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) được phát hiện mắc SXH. Trung tâm Y tế TP Hải Dương đã phối hợp với Trạm Y tế phường Hải Tân triển khai phòng, chống SXH. Ngày 16.8, Trung tâm Y tế TP Hải Dương đã phun thuốc diệt muỗi cho khoảng 30 hộ dân khu vực xung quanh nhà anh T. Việc theo dõi, giám sát để phát hiện các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống SXH không chỉ được triển khai ở khu vực anh T. sinh sống mà còn được thực hiện ở nơi anh kinh doanh buôn bán ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Đến nay, anh T. đã khỏi bệnh và phường Hải Tân không phát hiện thêm trường hợp nào mắc hoặc nghi ngờ mắc SXH.

Ông Lê Duy Ng. (ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, Gia Lộc), được phát hiện mắc SXH vào cuối tháng 7. Ông Ng. đã ủ bệnh trong thời gian ở nơi khác. Khi về địa phương, bệnh của ông có dấu hiệu nặng hơn phải nhập viện điều trị và được kết luận mắc SXH. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người xã Gia Tân đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về bệnh SXH; Trạm Y tế xã cử các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên y tế thôn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Khoảng 20 hộ dân ở gần nhà ông Ng. đã chủ động phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, tích cực giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm...

Bác sĩ Nguyễn Thị Chi Phương, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Gia Tân cho biết: "Năm 2017, trên địa bàn xã Gia Tân cũng có 2 ổ dịch ở thôn Lãng Xuyên và thôn An Tân với tổng số 5 bệnh nhân dương tính, trong đó 2 bệnh nhân có yếu tố mắc bệnh từ địa phương khác về, 3 bệnh nhân có yếu tố mắc bệnh nội địa".

Theo ông Nguyễn Đình Thực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, so với cùng kỳ năm ngoái, tình hình bệnh SXH năm nay không phức tạp nhưng cũng không vì thế mà lơ là, chủ quan. Thời tiết đan xen nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện rất thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát sinh, phát triển. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch SXH là rất lớn. Thời điểm này cũng chuẩn bị bước vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, đồng thời cũng là thời điểm tựu trường nên nhu cầu di chuyển của người dân từ nơi này sang nơi khác nhiều, rất có thể trong quá trình di chuyển sẽ có người mang theo mầm bệnh SXH. Kinh nghiệm từ công tác phòng, chống SXH cho thấy điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức và sự phối hợp, đồng thuận chung tay của người dân với các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể.

Chủ động phòng, chống

Để chủ động phòng chống SXH, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trung tâm y tế cấp huyện tiếp tục phối hợp tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh SXH trên đài phát thanh; chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn viết bài tuyên truyền trên đài truyền thanh và tiếp âm đài phát thanh huyện. Hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chủ động thu gom vật dụng phế thải chứa nước đọng; đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; diệt bọ gậy, diệt muỗi

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát, theo dõi di biến động của quần thể muỗi, loài muỗi, chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH tại các ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ. Tăng cường giám sát bệnh nhân tại bệnh viện và trong cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc SXH; điều tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Chuẩn bị hóa chất, máy phun, trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng triển khai các hoạt động xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra, không để dịch bùng phát lây lan trên diện rộng. Các cơ sở điều trị tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng, phân loại điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần thiết để chẩn đoán, điều trị bệnh SXH và sẵn sàng triển khai hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt nhất.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lơ là, chủ quan với bệnh sốt xuất huyết