“Hậu phương” của tôi

22/12/2019 10:42

Bố tôi là bộ đội biên phòng, mấy chục năm xa nhà nên mọi công to việc lớn đến những việc cỏn con đều một tay mẹ chăm lo, gánh vác.

Vậy mà mẹ không phàn nàn bao giờ. Đến khi tôi quyết định theo nghiệp nhà binh của bố, mẹ cũng vui vẻ đồng ý. 

Nhưng khi tôi dẫn người yêu về ra mắt thì mẹ là người phản đối đầu tiên. Sau một ngày tiếp xúc, quan sát Trang, mẹ lắc đầu: “Không được đâu con ơi. Nó là con út, được bố mẹ nuông chiều nên làm mấy việc nhỏ mà cũng lóng nga lóng ngóng.

Mình là lính phải chọn vợ đảm thì mới yên tâm công tác”. Bố tôi góp ý: “Tiền tuyến muốn thắng lợi thì hậu phương phải vững chắc. Con cứ nhìn cô nào giống như mẹ con mà chọn. Tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái, đối nhân xử thế, cả họ đều khen”.

Được lời của bố, mẹ tự hào khẳng định: “Ôi dào! Thời nay có cô gái nào như tôi là hiếm có khó tìm lắm nha. Chẳng qua vì ngày xưa tôi trót yêu màu áo lính nên mới theo ông”. Mẹ quay sang tôi: “Tốt nhất là con hỏi cái Trang xem nó có chịu được cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo, mọi việc đều đến tay không?”.

Nghe lời mẹ, tôi cũng thử lòng Trang xem tình cảm của em dành cho tôi sâu đậm đến đâu, xem em có quyết tâm chịu khó, chịu khổ mà gắn bó cả đời với tôi không. Tôi thông báo với em rằng tôi có quyết định của cấp trên, cử ra đảo công tác, không biết đến bao giờ mới được về đất liền.

Tôi không muốn em vất vả, thiệt thòi nên nói lời chia tay. Em níu chặt cánh tay tôi và khóc, trách tôi không hiểu em, không trân trọng tình yêu của em. Tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Giây phút ấy, tôi nhận ra rằng Trang chính là “một nửa” của đời mình.

Tôi được nghỉ phép đúng một tuần để làm đám cưới rồi phải trở lại đơn vị. Trước khi đi, tôi nhờ mẹ quan tâm, động viên và dạy bảo Trang từ những điều nhỏ nhặt.

Tôi mong mẹ coi Trang như con gái của mẹ để vợ tôi không tủi thân trong những ngày chân ướt chân ráo về nhà chồng mà chồng lại công tác ở xa. Mẹ động viên để tôi an tâm: “Con không phải lo, mẹ cũng là vợ bộ đội nên mẹ hiểu, mẹ sẽ tâm lý với vợ con”.

Chỉ sau một năm về làm dâu, Trang thay đổi hẳn, từ chỗ nấu ăn vụng về, chém to kho mặn đến tự tay làm mâm cơm khách ngon lành, đẹp mắt. Việc nhà cũng được Trang sắp xếp gọn gàng đâu ra đấy.

Mẹ tôi còn dạy Trang đan và móc len nên ngoài giờ làm hành chính ở cơ quan, Trang lại đan áo, đan khăn cho mọi người trong gia đình, cũng là một cách để vơi nỗi nhớ chồng. Tôi vui nhất khi cảm nhận được quan hệ mẹ chồng - nàng dâu rất hòa thuận.

Làm việc gì mẹ và Trang cũng tíu tít, to nhỏ. Mẹ tôi vốn chu đáo, tỉ mỉ, còn Trang thì chịu khó học hỏi nên động đến việc gì là mẹ nhiệt tình truyền hết kinh nghiệm cho con dâu.

Hai đứa con của chúng tôi lần lượt ra đời đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho gia đình. Vào giờ phút quan trọng đó, tôi đều ở đơn vị, không thể về kịp. Trang rất bản lĩnh, “vượt cạn” trong hoàn cảnh chồng không ở bên như nhiều phụ nữ khác nhưng em luôn coi đó là “chuyện nhỏ”.

Mỗi lần tôi về phép lại thấy các con thêm cao lớn. Giai đoạn con lẫy, bò, tập đi, tôi hầu như không được chứng kiến, không giúp được gì cho vợ. Đến khi các con biết đi, biết nói thì tôi thích kiệu chúng trên vai đi chơi khắp xóm. Nhưng khoảng thời gian ấy thật ngắn ngủi.

Nhận quyết định của cấp trên, tôi sẽ ra đảo làm nhiệm vụ mới trong ba năm. Lần này quyết định ấy là có thật chứ không phải như lúc trước khi cưới tôi đã từng bịa ra để thử lòng Trang.

Bình thường tháng nào tôi cũng về với gia đình được một, hai lần vì đơn vị cách nhà có vài trăm cây số. Nhưng sắp tới tôi ra đảo công tác thì có khi cả năm mới về phép một lần.

Tôi băn khoăn nghĩ cách thông báo cho vợ biết. Lựa lúc vợ vui vẻ, tôi rào trước đón sau: “Tình hình là đơn vị anh có sự luân chuyển công tác. Anh có ra đảo thì em cũng đừng buồn nhé!”.

Thật bất ngờ, vợ tôi mỉm cười: “Em đã xác định là vợ lính thì sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Anh không phải lo. Anh cứ yên tâm đi nhận công tác mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhé”. Thấy vợ nói rành mạch như thế, tôi bèn chìa quyết định ra: “Em sẽ vất vả hơn nhưng vợ chồng mình cùng cố gắng nhé”.

Thấy vợ lặng đi mấy giây, tôi biết là em đang bất ngờ với nhiệm vụ mới của tôi. Nhưng quả thực, từ ngày chúng tôi về chung một nhà, em vững vàng hơn rất nhiều. Nhìn em chăm sóc bố mẹ già, chu toàn việc cơ quan, nội trợ, kèm hai con học bài, dạy hai con tự lập, tôi thầm cảm ơn em, “hậu phương” vững chắc của tôi.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hậu phương” của tôi