Lãi vay mua nhà tại các ngân hàng vẫn tăng cao dù lãi suất huy động có phần hạ nhiệt, một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi vay tối thiểu cao hơn cả lãi thả nổi thông thường.
Dù là dân tài chính và đã tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng tín dụng, anh Hữu Tùng (29 tuổi, Hà Nội) giờ đây vẫn bất ngờ với khái niệm lãi suất tối thiểu.
Anh có khoản vay mua nhà tại một ngân hàng quốc doanh, với lãi suất cố định 8,3%/năm trong 2 năm đầu. Tuy nhiên, khi hết ưu đãi, lãi suất liên tục tăng cao từ mức 10,9%/năm cuối năm ngoái nay lên đến 12%/năm, dù lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng vẫn duy trì 7,4%/năm.
Thực tế, nếu cộng lãi suất huy động 12 tháng với biên độ 3,5%, lãi suất thả nổi phải giữ mức 10,9%/năm như cũ. Nhưng khi hỏi lại ngân hàng, anh được biết lãi suất tối thiểu đối với các khoản vay mua nhà ở ngân hàng này đang là 12%/năm.
Lúc này, mở lại hợp đồng tín dụng, anh mới thấy quy định lãi suất thả nổi bằng lãi suất huy động cộng biên độ 3,5%, nhưng không được thấp hơn lãi suất tối thiểu trong từng thời kỳ.
Khách vay vào thế khó
Trong trường hợp này, anh Tùng cho rằng ngân hàng hoàn toàn "nắm đằng chuôi", đẩy thiệt hại về khách vay.
"Đã sinh ra công thức biên độ để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng khi lãi suất huy động cao thì tính theo công thức, lúc lãi suất huy động hạ nhiệt thì nâng lãi suất tối thiểu. Vậy ngân hàng hô hào giảm lãi suất để hỗ trợ người dân làm gì, trong khi vẫn có lãi suất tối thiểu để chặn, người dân vẫn phải chịu lãi cao ngất ngưởng”, anh bức xúc.
Trong khi đó, chị Thanh Thảo (46 tuổi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng đang có 2 khoản vay với lãi suất cùng tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn. Chị kể cuối năm 2021 bắt đầu vay 2 tỷ đồng tại một ngân hàng tư nhân để mua chung cư. Hợp đồng vay trong vòng 25 năm, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên là 7,5%/năm. Cộng với tiền gốc 8 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chị đóng 20,5 triệu đồng.
"Theo dự kiến, khi hết thời gian ưu đãi, mỗi tháng tôi cũng chỉ đóng hơn 25 triệu đồng. Nhưng 3 tháng gần đây, bước vào giai đoạn lãi suất thả nổi cùng lúc lãi suất huy động tăng cao, tôi phải đóng gần 30 triệu đồng/tháng", chị cho biết.
Còn với khoản vay 1,8 tỷ đồng tại một ngân hàng tư nhân khác, khi đến thời gian đáo hạn cuối năm 2022, chị không thể tiếp tục vay theo mục đích kinh doanh, đành phải vay theo hình thức sửa chữa nhà.
"Nhân viên ngân hàng nói tôi là khách hàng lâu năm nên mới có lãi suất ưu đãi 14,5%/năm. Mỗi tháng tôi đóng cả gốc lẫn lãi hơn 30 triệu đồng, trong khi cùng số tiền vay này, ngân hàng này, trước đây tôi chỉ đóng lãi 13 triệu đồng.
Thậm chí, tôi còn phải đóng thêm 25 triệu đồng mua bảo hiểm mới được giải ngân. Chưa kể để có tiền đáo hạn và nhiều phụ phí khác, tôi còn phải vay nóng bên ngoài 20 triệu đồng”, chị chia sẻ.
So với trước, hiện chị phải đóng chênh hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. “Lúc mua nhà, tôi dự tính tiền trả ngân hàng trong năng lực tài chính, giờ lãi tăng đột ngột nên khoản dự phòng để kinh doanh và sinh hoạt cũng phải đổ hết vào đây. Tôi đang tìm cách hỏi vay ngân hàng thêm tiền để cầm cự, nếu không được chắc phải bán căn nhà đang ở”, chị bất lực nói.
Người dân vẫn phải trả lãi vay cao dù ngân hàng đã có tín hiệu giảm lãi suất huy động
Nhiều khách vay mua nhà khi hết giai đoạn ưu đãi lãi suất đã nhận thông báo lãi suất mới lên tới 12%/năm đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, và khoảng 13-14%/năm đối với nhóm ngân hàng tư nhân. Thậm chí, mức lãi suất này còn cao hơn lãi suất thả nổi (lãi suất huy động 12-24 tháng cộng biên độ 3-4%) ở chính ngân hàng đó.
Kể cả ở ngân hàng nước ngoài, lãi suất cũng đang cao ngất ngưởng. Anh Hoàng Sơn, chuyên viên tư vấn của một ngân hàng nước ngoài có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh, cho biết lãi vay thế chấp mua nhà ở ngân hàng anh đang ở mức 11,5%/năm trong năm đầu tiên.
Các năm sau, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cơ bản cộng biên độ 3%. Nếu khách chọn lãi suất cố định trong 2 năm đầu tiên, mức lãi ưu đãi là 12%/năm.
“Lãi suất cơ bản hiện ở mức 10,2%/năm và sẽ được cập nhật hàng quý, nhưng từ trước đến nay tôi thấy không có sự điều chỉnh đáng kể, tức lãi suất giai đoạn thả nổi thường khoảng 13,2%/năm. Với những khách vay đồng ý mua bảo hiểm nhân thọ, chúng tôi có thể áp dụng lãi suất cố định 11%/năm trong năm đầu tiên, hoặc 11,5%/năm nếu cố định 2 năm đầu”, anh nói thêm.
Không chỉ khách vay cũ mà người có ý định vay mới cũng đang rất lo ngại vấn đề lãi suất. Chị Ngọc Hà (33 tuổi, Bình Dương) cho biết vừa liên hệ một ngân hàng tư nhân nội địa thì được báo lãi suất cố định 13,9%/năm trong 2 năm đầu tiên.
“Trước đây tôi vay mượn người thân, bạn bè để mua nhà, giờ họ cần mà tôi chưa có nên đành hỏi đến ngân hàng. Nhưng mức lãi này quá cao so với khả năng của tôi, có lẽ tôi phải tiếp tục hỏi vay những người thân, bạn bè còn lại, chờ đến khi lãi vay ngân hàng giảm mới dám làm hồ sơ”, chị tâm sự.
Cẩn thận với các điều khoản trên hợp đồng vay
Ông Nguyễn Duy Chuyền - chuyên gia tài chính, bất động sản kênh Doctor Housing - cho biết ngoài chiêu lãi suất tối thiểu, một số hợp đồng tín dụng còn ràng buộc nếu khách không tiếp tục mua bảo hiểm vào năm sau, lãi suất sẽ tự động cộng thêm 2%/năm.
"Bên cạnh việc thể hiện toàn bộ lãi suất phải trả khi hết ưu đãi như thế nào, khế ước nhận nợ còn gắn thêm những điều khoản mà khách hàng ít khi để ý. Nhưng theo tôi thấy, có đến 95% người đi vay đều không đọc kĩ hợp đồng", ông nói.
Để hạn chế rủi ro, ông cho rằng dù không đọc hết hợp đồng, người vay cũng cần lưu ý những nội dung như lãi suất ban đầu, lãi suất thả nổi để có thể dự trù số tiền phải đóng trong tương lai.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đều áp dụng cách tính lãi suất thả nổi bằng lãi suất huy động của ngân hàng cộng với biên độ dao động. Do đó, người đi vay cần để ý thêm biên độ dao động và phí trả nợ trước hạn.
Theo ông, dù không có những điều khoản gài như trên thì người dân cũng rất chật vật với lãi vay cao như hiện nay. Riêng đối với những trường hợp muốn tăng nợ vay để gồng lãi vay cũ, ông khẳng định cách này sẽ khiến họ phá sản nhanh hơn.
"Khách vay thêm tiền có hai vấn đề cần lưu ý là lãi suất hiện tại rất cao và tốn rất nhiều chi phí khác để vay vốn. Chính vì vậy, người đi vay cần phải tính phương án giảm nợ, giảm lãi chứ không phải tăng nợ để nuôi lãi cũ", vị chuyên gia lý giải.
Ông Lê Quốc Kiên - chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cũng nhìn nhận lãi suất cho vay thời điểm bình thường trước đây khoảng 9-12,5%/năm (tùy ngân hàng và không tính 1-2 năm đầu ưu đãi) nay đã lên đến 10,5-14,5%/năm, chưa kể các “phụ phí” khác như bảo hiểm, chi phí đáo hạn… tổng cộng thêm khoảng 2-3%/năm.
Theo vị chuyên gia, mặt bằng lãi suất năm nay tuy NHNN cố gắng kiềm chế nhưng vẫn sẽ ở mức cao so với giai đoạn “dễ thở” 2016-2021. Nguồn tín dụng vẫn sẽ được ưu tiên tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản sẽ được kiểm soát chặt.
Đối với những người mua nhà trong năm nay, ông Kiên cho rằng nhà đầu tư cần quan sát trong 2 quý đầu và nắm bắt cơ hội trong 2 quý cuối năm.
“Năm 2023 không còn cơ hội cho trường phái đầu tư lướt sóng do thanh khoản thị trường chưa hồi phục, đồng thời rủi ro đầu tư ngắn hạn ngày càng tăng khi lãi vay cao và kiểm soát tín dụng với bất động sản vẫn còn tiếp diễn. Do đó, tốt nhất là sử dụng dòng tiền nhàn rỗi, không vay khi mua tài sản.
Trường hợp nhà đầu tư muốn vay phải hoạch định sẵn nguồn tiền để đóng ngân hàng trong ít nhất 2 năm, và chỉ nên vay tối đa 20-30% giá trị tài sản để giảm thiểu rủi ro”, ông Kiên khuyến nghị.
Theo Zing