Anh Phạm Văn Hoàn ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho biết vừa bán chậu quýt dài 5 m, nặng chừng 10 tấn với giá gần 200 triệu đồng cho một người chơi ở huyện Tứ Kỳ của Hải Dương.
Để tạo ra chậu quýt, bưởi bán giá cao, anh Phạm Văn Hoàn phải ghép quả từ tháng 3, đổ chậu bê tông từ tháng 4, rồi gần Tết mới ghép cây, tạo dáng.
Trên tấm bệ bê tông cốt thép dài 6 m, anh Hoàn cho đặt 5 chậu quýt, sau đó buộc cố định lại. Những cây quýt 5 tuổi, quả sai trĩu, được thợ dùng dây thép nhỏ gò lại thành từng tán, tạo chậu cây thành các dáng rồng, phượng, núi non...
Sau khi hoàn tất phần tạo dáng cây, anh Hoàn xây tường bao xung quanh, đổ đất lấp đầy. Tùy theo nhu cầu của khách, chậu cây có thể kèm theo thác nước, đèn nhiều màu chạy xung quanh.
Cách đây khoảng 6 năm, những chậu cây nặng vài tấn thường không có khách. Như năm 2018, anh Hoàn đưa quất lên những chậu hình vỏ sò, con thuyền cỡ lớn, nhưng không bán được. Sau đó, anh phải thay đổi, tạo chậu cảnh nhỏ hơn.
Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi dịp cuối năm, anh Hoàn bán được khoảng 10-20 chậu cây lớn. Để kịp lên chậu bán Tết Nguyên đán, từ tháng 4 anh đã đổ sẵn những tấm bêtông, sau đó làm trụ đỡ và gắn kết mọi thứ với nhau. Gần Tết, anh mới nghĩ xem làm gì trên tấm bêtông đó.
Không chỉ quýt, anh Hoàn còn ghép những chậu bưởi từ hai cây, ba thậm chí nhiều hơn để bán dịp Tết. Năm nay, anh tạo khoảng 20 chậu bưởi. Những cây bưởi được ghép hơn trăm quả từ đợt tháng 3, khi quả còn xanh, tròn đều, cuống to, nặng 2,5-3 lạng.
Sau khi ghép quả vào cây, anh Hoàn cho bọc nón che nắng, tưới nước thường xuyên, bón phân cách 15-20 ngày/lần, chờ tới cuối năm quả chín vàng thì đưa lên chậu. "Quả sau khi ghép nếu không chăm sóc cẩn thận có thể bị rụng bất cứ lúc nào", anh giải thích.
Những chậu bưởi được ghép hình rồng thường có hai tầng, tầng trên đặt cây, tầng dưới có thể chứa nước và thả cá. Phần viền chậu cũng được tận dụng để trồng cây, đi dây đèn.
Mỗi chậu bưởi bán 50-100 triệu đồng, trong đó riêng tiền vận chuyển chiếm hơn 1/3 giá trị. Trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, những chậu bưởi này sẽ được chuyển tới người đặt mua hoặc thuê. Ba tháng sau, nếu khách có nhu cầu, anh Hoàn lại tới cho xe cẩu về chăm sóc, giá chăm 30-60 triệu đồng tùy chậu.
Nhiều hộ gia đình ở Liên Nghĩa bắt đầu làm theo ý tưởng của anh Hoàn. Năm nay trước lối vào mỗi nhà vườn đều cho đặt chậu lớn để thu hút sự chú ý.
Ông Lý Văn Tông, Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa, cho biết anh Phạm Văn Hoàn là kiến trúc sư nên thường làm ra những chậu cây khác lạ, có tính nghệ thuật. Anh là một trong hai người của xã tiên phong tạo ra những chậu cảnh lớn, góp phần đa dạng mặt hàng đón Tết và tăng giá trị cho cây cảnh.
Nhiều năm nay, huyện Văn Giang trở thành "thủ phủ" bưởi cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, tạo dựng được thương hiệu. Từ tháng 5, nông dân Văn Giang vào mùa ghép quả trên cây bưởi cảnh. Hiện nay, huyện có khoảng 150 ha bưởi cảnh tập trung ở các xã Liên Nghĩa, xã Long Hưng và thị trấn Văn Giang.
H.A (theo VnE)